"Công cha nghĩa mẹ ơn thầy" là điều ghi tâm khắc cốt của mỗi chúng ta. Thầy tuy không phải sinh ra ta, nuôi nấng ta, nhưng lại có ơn dạy ta. Cho nên ơn thầy được xếp ngang công cha mẹ.
|
Ảnh minh họa. |
Người xưa từng tổng kết "không thầy đố mày làm nên". Đó là lời dạy chí tình, từ những danh nhân anh hùng đến tầng lớp bình dân, có ai không qua ngưỡng cửa nhà trường mà nên người. "Tôn sư trọng đạo" là truyền thống tốt đẹp của nhân dân. Ngày nay truyền thống "tôn sư trọng đạo" càng được coi trọng. Đảng và Nhà nước ta đã dành ngày 20/11 làm ngày tôn vinh các thầy các cô đã và đang đem hết tâm huyết truyền dạy kiến thức văn hóa, giáo dục đạo đức cho con em.
Tôi đã chứng kiến, có những cụ giáo già đã về hưu cách đây hàng mấy chục năm, còn được những người trò đầu hai thứ tóc, hàng năm vẫn đến chúc mừng sức khoẻ. Họ đến nhà thầy với tấm lòng kính trọng, biết ơn, với tình thầy trò gắn bó như cha con. Vượt hàng mấy chục cây số đến chỉ động viên người thầy được sống vui, sống khoẻ, đâu màng đến lợi lộc gì. Lòng biết ơn đó thật trong sáng, tuyệt vời.
Đi thăm thầy, ta có thể có món quà nhỏ là một bông hoa, lớn là một gói quà, gửi gắm trong đó tình cảm biết ơn, chứ đừng vẩn đục ý đồ vụ lợi. Xã hội không thể không có những hành vi tiêu cực. Tôi đã từng nghe những bà mẹ trẻ trao đổi với nhau, phải có món quà gì đến thầy, không sẽ phiền ngay đến con mình. Lại có phụ huynh, con học lớp 9 thì lợi dụng ngày đó mang phong bì dày mỏng làm chiếc cầu cho con mình vượt "vũ môn". Đó là những hành vi tiêu cực, xúc phạm đến nhân phẩm người thầy.
Chúng ta cũng không thể không buồn cho một số thầy cô đã sa ngã trước sự cám dỗ của vật chất. Nhưng đáng trách hơn là hành động của số ít phụ huynh chỉ vì lợi ích riêng của con em mình mà làm xấu đi tâm hồn trong sáng của người thầy.
Chúng ta nên nhớ ơn thầy là giúp thầy cô giáo hoàn thành nhiệm vụ đứng trên bục giảng để con ta nhận được sự giáo dục tốt lành. Đấy mới là lòng biết ơn chân thành.
Hưng Trà (Hà Nội)