|
Ảnh minh họa. |
PGS.TS Lê Bắc Huỳnh, Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam cho biết, đến nay, cả nước đã và đang xây dựng hơn 1 ngàn công trình thủy điện với tổng công suất lắp máy trên 8.000MW điện, chiếm gần 40% tổng công suất điện quốc gia. Đang xây dựng khoảng gần 240 hồ, tổng dung tích hơn 21 tỷ m3 nước, công suất lắp máy gần 9.000MW và trên 500 hồ đã có quy hoạch xây dựng trong vài năm tới với tổng dung tích gần 4 tỷ m3, công suất lắp máy hơn 4.200MW. Rõ ràng so với nhu cầu sử dụng điện, tổng công suất này đủ để phục vụ hoạt động sinh hoạt và sản xuất.
Mới đây, lãnh đạo Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội khẳng định, trong mùa hè năm nay sẽ không cắt điện, nếu nhiệt độ ngoài trời cao hơn 36 độ C. Người dân khi nghe tin này thì khấp khởi vui mừng. Ấy thế mà mấy hôm trời nóng, nhiệt độ ban đêm lên đến 34 - 35 độ C đùng một cái mất điện. Chỗ này cắt điện, chỗ kia cắt điện. Nóng quá, trẻ con không ngủ được, khóc râm ran khắp cả ngõ xóm. Vì sao nguồn điện dồi dào mà người dân vẫn không có điện dùng? Điện vẫn cứ bị cắt, vào những lúc tưởng như người ta không thể sống nếu thiếu điện?
Theo PGS.TS Lê Bắc Huỳnh, đa phần lý do đưa ra cắt điện là do sự cố đường dây như quá tải, cắt điện để sửa chữa, bảo dưỡng... Vậy là cắt điện không phải vì thiếu điện, lý do đã rõ như ban ngày. Cắt điện không vì thiếu điện, vậy tăng giá bán điện từ 1/6 thì vì sao? Giá điện năm 2014 tăng thêm ít nhất 34đ/kWh. Nếu tính trên tổng sản lượng điện thương phẩm trong năm 2014 dự kiến đạt 126,5 tỷkWh, EVN sẽ có thêm hơn 4.300 tỷ đồng doanh thu nhờ việc tăng giá điện. Với giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2012 là 1.322,55đ/kWh, trong khi giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện là 1.364,31đ/kWh, EVN đã lãi 41,76đ/kWh.
Cắt điện không phải vì thiếu điện. Tăng giá bán điện không phải vì lỗ. Nghịch lý của ngành điện không phải là khó nhìn thấy, nhưng sao nghịch lý vẫn cứ tồn tại. Xin đừng để nghịch lý biến thành chân lý!
Hà Bình