Ngã giá nơi đất Tổ

Google News

(Kiến Thức) - Chẳng có người con nào về thăm cha mẹ phải bỏ tiền mua vé. Nếu có, thì đó là chuyện buồn. Thế nhưng, nhiều người có cảm giác ấy khi về thăm Đền Hùng.

 
Càng giáp ngày giỗ Tổ Hùng Vương, tôi lại càng thấy háo hức. Thế nhưng, những háo hức trong tôi dường như biến mất. Thay vào đó là bức xúc lẫn cả phẫn nộ về thực trạng chẳng lấy gì làm đẹp: Thu tiền vé và đủ những khoản thu khác. Đền Hùng có 4 đền, 1 chùa và lăng vua Hùng, vào đâu cũng mất vé. Số tiền nhỏ thôi, nhưng không ít người cảm thấy như bị “bắt chẹt”.
Có em học sinh đi thăm đền Hùng, vừa bước đến bậc thềm đầu tiên dẫn lên phía trên, liền bị bảo vệ giữ lại và kiên quyết không cho lên. Lý do đơn giản, em không có vé. Nhà em nghèo, tiền đóng học cho con mà bố mẹ còn phải chắt bóp. Cô giáo giảng về nguồn cội, em yêu tổ tiên nên đánh liều đạp xe đến thăm đền Hùng. Thử hỏi, cảm giác của em học sinh ấy sẽ ra sao? Thái độ đối xử của người lớn với trẻ nhỏ như thế có phải không? Còn nữa, khi đến các đền, nếu chẳng may bạn cần đi vệ sinh, sẽ chẳng ai cấm bạn. Nhưng chắc chắn, khi ra bạn sẽ bị ai đó chặn lại đòi cho bằng được tiền phí. 
Ở mỗi đền, dù đã có những hòm công đức nhưng Ban quản lý vẫn điều 1 đến 2 người ngồi bàn giấy. Họ sẽ nhìn bạn từ lúc vào cổng xem bạn có ghi tiền công đức hay không. Tôi để ý, đa số đều rút ví ghi danh và nếu ai đó không rút ví ghi tiền mà bỏ thẳng tiền vào hòm công đức, chắc chắn ánh mắt, sắc mặt của họ sẽ không mấy vui vẻ.
Đem chuyện này kể lại với cụ Nguyễn Khắc Xương, con trai thi sĩ Tản Đà, người cả đời gắn bó và nghiên cứu vùng đất Tổ, cụ Xương lắc đầu ái ngại: “Chuyện này có từ lâu rồi, chẳng khác nào họ lợi dụng tâm linh để kiếm lợi, nhưng mấy ai dám nói ra mà có nói thì nói với ai?”.
Tấm lòng - dù ít dù nhiều thì cũng phải bắt nguồn từ sự thành kính. Nhưng khi con người đã ngã giá (bằng vé vào thăm) thì lại là hoàn toàn chuyện khác, đặc biết với chốn tâm linh cao quý như Đền Hùng.
Trần Hòa