Phiên xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương và 2 bị cáo trong vụ tai biến y khoa tại Hòa Bình luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận cả nước. Bởi đây là vụ thảm họa trong ngành y tế đặc biệt nghiêm trọng bởi trên thế giới cũng chưa từng xảy ra sự cố làm nhiều bệnh nhân tử vong như vậy.
Một phiên tòa có quá nhiều những điều lạ lùng, bất thường đến khó tin. Một phiên tòa khiến những người theo dõi luôn trong những trạng thái vui buồn, bức xúc, phẫn nộ.
Hiếm có phiên tòa nào mà những người nhà bị hại thay vì chút mọi sự đau đớn, đắng cay khi mất đi người thân lại đồng loạt lên tiếng xin cho bị cáo như tại phiên tòa này.
Vụ việc đã xảy ra cách đây một năm, những nỗi đau của người thân vẫn chưa thể nguôi ngoai nhưng lý do gì họ đồng loạt lên tiếng xin cho bác sĩ Hoàng Công Lương vô tội và xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Trần Văn Sơn, Bùi Mạnh Quốc?
|
Bác sĩ Hoàng Công Lương tại phiên xét xử. |
Theo lý giải của những người thân các nạn nhân, họ mong muốn tòa làm rõ hành vi của những người thiếu trách nhiệm gây ra cái chết cho người thân của họ, xử đúng người đúng tội nhưng cũng không làm oan người vô tội.
Bên cạnh đó, gia đình các nạn nhân cũng đề nghị làm rõ trách nhiệm của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, trách nhiệm của ông Trương Quý Dương - nguyên giám đốc bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình và những người liên quan. Bởi theo họ, bác sĩ Lương chỉ có chuyên môn trị bệnh chứ không thể chịu trách nhiệm về thiết bị, vật tư. Trách nhiệm thuộc về ông Trương Quý Dương – người ký hợp đồng với nơi không đảm bảo chuyên môn.
Bên cạnh đó, người nhà các nạn nhân cho biết, ngay khi xảy ra sự cố, bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đã bảo họ ký vào đơn không kiện tụng gì bệnh viện bởi vậy gia đình các nạn nhân rất bức xúc bởi sự thiếu trách nhiệm của bệnh viện này.
Xâu chuỗi tất cả những tình tiết khó tin xuyên suốt vụ án có thể đã phần nào hé lộ những góc khuất trên con đường đi tìm sự thật công lý thì có thể thấy ý kiến của những người thân các nạn nhân không phải không có cơ sở. Bởi xuyên suốt những ngày diễn ra phiên xét xử với những tình tiết mới từ những lời khai những người liên quan đã bộc lộ những “lổ hổng” chết người trong quá trình xã hội hóa khám chữa bệnh.
Qua những ngày diễn ra phiên xét xử, có thể thấy ông Trương Quý Dương khi làm giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đã ký hợp đồng 315 cung cấp vật tư sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2 cho đơn nguyên Thận nhân tạo với Công ty Thiên Sơn với giá trị hợp đồng hơn 99 triệu đồng. Tuy nhiên, sau đó Công ty Thiên Sơn chuyển nhượng lại cho Công ty Trâm Anh chỉ là hơn 49 triệu đồng.
Tuy nhiên, dù là người trực tiếp ký hợp đồng nhưng sau đó, ông Dương lại không có văn bản chỉ đạo cụ thể cá nhân, bộ phận nào phải chịu trách nhiệm phối hợp với Công ty Thiên Sơn thực hiện các nội dung của hợp đồng. Bởi vậy, dẫn đến việc từ Phó Giám đốc bệnh viện đến bác sĩ điều trị đều không nắm rõ được nội dung hợp đồng sử dụng các thiết bị liên quan tới sinh mạng con người do không được Giám đốc bệnh viện thông báo.
Do sự thiếu giám sát phó mặc cho Công ty Thiên Sơn thực hiện việc sửa chữa, bảo dưỡng mà không yêu cầu công ty này xuất trình các giấy tờ liên quan và chứng minh năng lực cung cấp, sửa chữa này…Ngay cả khi Công ty Thiên Sơn thuê công ty Trâm Anh triển khai bảo dưỡng hệ thống lọc nước của máy chạy thận mà với vai trò quản lý bệnh viện nhưng ông Trương Quý Dương lại khai với cơ quan điều tra rằng: "Tôi hoàn toàn không biết việc Thiên Sơn bán HĐ 315 cho Trâm Anh” như lời khai của ông Dương với cơ quan điều tra.
Tất cả dẫn đến việc “mạnh ai người nấy làm” gây ra hậu quả đáng tiếc khi tai biến y khoa xảy ra khiến nhiều bệnh nhân tử vong.
Trong khi trách nhiệm của ông Trương Quý Dương - nguyên Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình và ông Đỗ Anh Tuấn - Giám đốc Công ty Thiên Sơn chưa được làm rõ thì những người này dù được triệu tập nhưng lại vắng mặt xuyên suốt các phiên xét xử những ngày qua cũng là một trong những dấu hiệu bất thường.
Đáng chú ý là sự vắng mặt của ông Trương Quý Dương, nguyên giám đốc bệnh viện khi xảy ra sự cố là khó thể chấp nhận được. Bởi vì, vụ việc này không chỉ là đang xem xét về lỗi chuyên môn, nghiệp vụ đơn thuần mà rõ ràng là do nhiều nguyên nhân khác nhau như ký kết hợp đồng bảo trì, bảo quản, trách nhiệm quản lý...Nhưng không hiểu sao, trong khi phiên tòa đang diễn ra, ông Trương Quý Dương thay vì có mặt tại tòa lại thản nhiên ngao du bên trời Tây.
Một tình tiết đáng chú ý ông Đinh Tiến Công - điều dưỡng trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình) bất ngờ khai việc bản thân ghi thêm vào sổ giao ban nội dung phân công bác sỹ Hoàng Công Lương phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo. Đó là việc ghi bổ sung vào biên bản cuộc họp cuối năm 2015 về nội dung này. Theo đó việc ghi bổ sung này chỉ được thực hiện sau ngày 29/5/2017, ngày xảy ra sự cố y khoa làm 9 người tử vong khi chạy thận.
Tình tiết trên khiến luật sư Lê Văn Thiệp – người bào chữa cho bác sĩ Lương cho rằng: “việc chỉ đạo bổ sung thông tin vào biên bản cuộc họp làm sai lệch sự thật chứng tỏ những người có liên quan đã tìm cách dùng bác sỹ Lương để thế mạng, nhằm chối tội cho ông Trương Quý Dương - nguyên Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình và ông Đỗ Anh Tuấn - Giám đốc Công ty Thiên Sơn”.
Ngay như chính ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan cũng phải nói rằng : “Theo dõi vụ xử bác sĩ Hoàng Công Lương mấy ngày nay, bản thân chúng tôi cũng rất đau lòng và rất hoang mang. Tại sao chúng ta lại đổ hết cho một bác sĩ trực tiếp lo cứu chữa cho bệnh nhân. Trong khi bác sĩ đó làm sao biết được chất lượng nước này như thế nào.
Nếu có tiêu cực để sử dụng nước đó, thiết bị đó, thì ai là người hưởng lợi, đâu phải là bác sĩ ở tận dưới khoa làm việc này đâu. Nếu tiêu cực có xảy ra, có bắt tay chuyện này chuyện kia thì phải cấp từ lãnh đạo khoa trở lên, lãnh đạo bệnh viện, giám đốc công ty trang thiết bị?".
Dư luận cho rằng, nếu bác sĩ Hoàng Công Lương vô tội thì ai mới là người có tội? Khi đó, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình ở thời điểm xảy ra sự cố cũng không thể vô can?
Thiên Nga