Mới đây, Bộ Công Thương vừa phát đi thông báo về kết luận điều tra vụ Grab mua lại Uber. Theo đó, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Cục Cạnh tranh) đã kết thúc quá trình điều tra vụ việc cạnh tranh Grab mua lại Uber tại thị trường Đông Nam Á, trong đó có thị trường Việt Nam.
Ngày 30/11, Cục trưởng Cục Cạnh tranh đã ký kết luận điều tra vụ việc cạnh tranh theo quy định tại khoản 9, Điều 76 Luật Cạnh tranh.
Căn cứ kết quả xác minh các tình tiết, chứng cứ của vụ việc trong quá trình điều tra, Cục Cạnh tranh đã xác định vụ việc Grab mua lại Uber có dấu hiệu vi phạm.
Cụ thể, hai dấu hiệu vi phạm được cơ quan chức năng chỉ ra là “hành vi không thông báo tập trung kinh tế quy định tại Điều 20 Luật Cạnh tranh” và “hành vi tập trung kinh tế bị cấm quy định tại Điều 18 Luật Cạnh tranh”.
Liên quan vụ việc trên, dư luận băn khoăn với hai dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh, Grab sẽ bị xử lý thế nào?
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Zing. |
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật Quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp dẫn giải khoản 6 Điều 3 Luật Cạnh tranh 2004 quy định “ Thị phần kết hợp là tổng thị phần trên thị trường liên quan của các doanh nghiệp tham gia vào thoả thuận hạn chế cạnh tranh hoặc tập trung kinh tế”. Từ đó, Luật sư Thái cho rằng, điểm mấu chốt của vụ việc nêu trên cần xác định mức độ tập trung kinh tế của Grap và Uber.
Hiện nay, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã hoàn tất việc chuyển báo cáo điều tra, kết luận điều tra cùng toàn bộ hồ sơ vụ việc cạnh tranh đến Hội đồng Cạnh tranh để xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật cạnh tranh.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ vụ việc cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh có thể sẽ ra một trong các quyết định, gồm: Trả hồ sơ để điều tra bổ sung (trong 60 ngày); Đình chỉ giải quyết vụ việc cạnh tranh; Mở phiên điều trần để ra quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng sau quá trình điều tra vụ việc cạnh tranh Grab mua lại Uber tại thị trường Đông Nam Á, trong đó có thị trường Việt Nam đã kết luận và xác định vụ việc Grab mua lại Uber có hai dấu hiệu vi phạm là “hành vi không thông báo tập trung kinh tế quy định tại Điều 20 Luật Cạnh tranh” và “hành vi tập trung kinh tế bị cấm quy định tại Điều 18 Luật Cạnh tranh”.
Phân tích về hành vi không thông báo tập trung kinh tế quy định tại Điều 20 Luật Cạnh tranh 2004, Luật sư Nguyễn Hồng Thái cho rằng, hiện nay tập trung kinh tế là một xu hướng phát triển tất yếu của các doanh nghiệp trong kinh tế thị trường. Tuy nhiên, sự tập trung kinh tế sẽ làm thay đổi cơ cấu của thị trường và có nguy cơ xuất hiện những doanh nghiệp độc quyền, giữ vị trí thống lĩnh thị trường.
Do đó, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp yếu thế hơn, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, tại Khoản 1 Điều 20 Luật Cạnh tranh 2004 quy định về việc thông báo tập trung kinh tế tới Cục Quản lý cạnh tranh, cụ thể:
Các doanh nghiệp tập trung kinh tế có thị phần kết hợp từ 30% đến 50% trên thị trường liên quan thì đại diện hợp pháp của các doanh nghiệp đó phải thông báo cho cơ quan quản lý cạnh tranh trước khi tiến hành tập trung kinh tế.
Trường hợp thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế thấp hơn 30% trên thị trường liên quan hoặc trường hợp doanh nghiệp sau khi thực hiện tập trung kinh tế vẫn thuộc loại doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của pháp luật thì không phải thông báo.
Theo đó, trường hợp các doanh nghiệp tập trung kinh tế có thị phần kết hợp từ 30% đến 50% trên thị trường liên quan không thực hiện thủ tục thông báo tập trung kinh tế theo quy định của pháp luật thì sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 27 Nghị định 71/2014/NĐ-CP: “Phạt tiền đến 10% tổng doanh thu trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm của từng doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế mà không thực hiện nghĩa vụ thông báo theo quy định tại Điều 20 của Luật Cạnh tranh.”
“Như vậy, trường hợp thị phần kết hợp của Grap và Uber được xác định dưới 30% trên thị trường liên quan thì doanh nghiệp không cần thông báo. Tuy nhiên, theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng sau quá trình quá trình điều tra vụ việc cạnh tranh Grab mua lại Uber tại thị trường Đông Nam Á, trong đó có thị trường Việt Nam đã kết luận và xác định vụ việc Grab mua lại Uber có dấu hiệu vi phạm không thông báo tập trung kinh tế quy định tại Điều 20 Luật Cạnh tranh. Vì vậy, nếu theo kết luận của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh xác định mức độ tập trung kinh tế từ 30% -50% thì có thể Grap và Uber đối mặt với mức phạt 10% tổng doanh thu trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm của từng doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế”, Luật sư Nguyễn Hồng Thái phân tích.
Nói về hành vi tập trung kinh tế bị cấm, luật sư Nguyễn Hồng Thái dẫn giải điều 18 Luật cạnh tranh 2004 quy định trường hợp tập trung kinh tế bị cấm như sau: “Cấm tập trung kinh tế nếu thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế chiếm trên 50% trên thị trường liên quan, trừ trường hợp quy định tại Điều 19 của Luật này hoặc trường hợp doanh nghiệp sau khi thực hiện tập trung kinh tế vẫn thuộc loại doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của pháp luật.”
Theo công bố điều tra sơ bộ, Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng cho rằng có việc tập trung kinh tế giữa Grap và Uber tại thị trường Việt Nam, với thị phần kết hợp vượt ngưỡng 50%, và như thế hành vi này có dấu hiệu vi phạm quy định về tập trung kinh tế.
“Mức xử phạt đối với hành vi mua lại doanh nghiệp bị cấm được quy định tại Điều 25 Nghị định 71/2014/NĐ-CP như sau: Phạt tiền đến 10% tổng doanh thu trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm của doanh nghiệp mua lại và doanh nghiệp bị mua lại đối với hành vi mua lại một phần hoặc toàn bộ tài sản của doanh nghiệp khác bị cấm theo quy định tạiĐiều 18 của Luật Cạnh tranh. Ngoài việc bị phạt tiền, doanh nghiệp mua lại còn có thể bị buộc phải bán lại phần tài sản mà doanh nghiệp đã mua”, Luật sư Nguyễn Hồng Thái nói.
Hải Ninh