|
Ảnh minh họa. |
Trời đã nắng nóng, hơi khói quẩn càng
thêm ngột ngạt, trên đường xe cộ phải bật đèn đi trong màn khói mù mịt.
Khói xông cả vào nhà, gây cay mắt, tức ngực, khó thở... Mà có lần, ở
ven đường tôi thấy người ta thu hoạch xong, tuốt lúa xong, rơm còn tươi,
còn xanh mà đã đốt luôn, vì thế khói càng nhiều.
Khói rơm, cái thứ khói thơm nồng nàn trong những căn bếp cũ kỹ mà mỗi lần về quê tôi cứ thích hít hà mãi. Cái thứ khói quyện vào mùi cơm gạo mới, vào miếng cá kho, lẩn vào bát nước chè xanh, vào trong củ khoai củ sắn, vào cả trong tóc tai quần áo... sao mà thơm, mà gắn bó, gần gũi đến vậy, ấm lòng đến vậy. Nhưng cũng cái khói đấy giờ đây khi người ta không dùng để đun nấu mà đồng loạt đốt bỏ ngoài đồng thì nó đã trở thành thảm họa.
Biết làm thế nào được, nông dân giờ không đun rơm nữa, mà ruộng thì phải dọn ngay để kịp vụ sau, nên chỉ đốt ngay tại chỗ là nhanh gọn nhất. Biết là khói đấy, là phí đấy, là ảnh hưởng tới môi trường, đến thành phố đấy, nhưng vấn đề đó đâu mình người nông dân giải quyết được. Từ cọng rơm vàng làm ra những sản phẩm gì: Làm chổi, đan giỏ, làm những sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làm đệm hay xử lý nó thế nào (ép lại thành tấm để sử dụng trong xây dựng hay làm chất đốt, làm phân bón...), cần phải có sự vào cuộc của các nhà khoa học, các doanh nghiệp... Nếu cứ bỏ mặc nông dân thì họ chỉ biết đốt chứ còn biết làm gì nữa.
Đó chỉ là một trong những ảnh hưởng nhỏ nhất của các vấn đề nông thôn tới đô thị. Còn biết bao vấn đề của nông thôn mà chúng ta chưa giải quyết được, đó là đô thị hoá nông thôn, nông dân mất đất, thiếu việc làm, giá nông sản thấp không đủ chi phí, được mùa mà người nông dân không vui... Có nhiều nơi người dân bỏ ruộng không trồng cấy gì nữa, vợ chồng con cái bỏ quê lên thành thị kiếm việc làm. Không chỉ có khói đâu, mà sẽ còn biết bao vấn đề lớn hơn đang bị đẩy vào thành phố. Và nếu không lo, không giải quyết, không tìm đường ra cho người nông dân thì sẽ còn nhiều thảm họa hơn nữa.
Minh Anh