Một câu nói riêng với “thần đồng” Đỗ Nhật Nam

Google News

(Kiến Thức) - “Là trẻ con, đôi khi phải biết tha thứ lỗi lầm của người lớn!” (Cánh đồng bất tận - Nguyễn Ngọc Tư). 

Tôi vốn là một người hay lờ đi những dư luận của xã hội về một ai đó vì nghĩ rằng đó không phải chuyện của mình. Nhưng lần này thì tôi không thể lờ được nữa vì thấy một vài người đang châm biếm một đứa trẻ và cả cha-mẹ của em. Đỗ Nhật Nam, một cậu bé 11 tuổi được sách kỷ lục Việt Nam ghi nhận là dịch giả nhỏ tuổi nhất với hàng loạt các chứng chỉ ngoại ngữ với số điểm cao ngất ngưởng và mục tiêu về công việc, học vấn trong tương lai không hề thấp.

Một số người cho rằng em suy nghĩ và nói chuyện quá người lớn, và không giống trẻ con tí nào. Tôi lại nghĩ Nam vẫn trẻ con. Nếu như một đứa trẻ lớp 6 thường khoe nhà mình có nhiều đồ chơi, hay mình mới được điểm 10 thì Nam lại khoe rằng nhà em có hàng nghìn quyển sách và em thi đạt nhiều chứng chỉ. Nam không hề khác những đứa trẻ cùng lứa khác. Trẻ con thường thích mình phải hơn người khác và là tâm điểm của sự chú ý của mọi người. Những cái mà Nam khoe chỉ hơi khác mà thôi.

Một vài ý kiến khác thì cho rằng Nam không biết khiêm tốn và cần phải “học” khiêm tốn. Vậy họ có đang đòi hỏi quá cao ở Nam không? Việc chúng ta đặt nặng vấn đề đạo đức hay cách ăn nói lên một đứa trẻ là hơi sai lầm. Một đứa trẻ thì làm sao biết được nên nói như thế nào cho “được lòng” số đông. Tôi lại nghĩ, càng muốn chỉ trích và muốn thay đổi Nam, chúng ta chỉ càng tỏ ra mình là con người hẹp hòi mà thôi. Với những lời nói của trẻ con thì dù đúng hay sai (trừ khi nói tục và vô lễ) thì người lớn nên lắng nghe và cười thôi. Chúng ta chỉ nên can thiệp khi thật sự cần thiết. Tôi rất buồn khi phải nói ra điều này: không chấp nhận những con người khác mình không phải phẩm chất của một con người văn minh. Nó có lẽ là một dấu hiệu của một xã hội còn hơi khép kín. 

Chuyện của Nam vô tình làm tôi nhớ lại một bộ phim mà tôi rất thích là “Little Miss Sunshine”. Trong khi những đứa trẻ khác đóng góp những tiết mục rất “chuyên nghiệp” và được cho là “phù hợp” với trẻ con, bé Olive (7 tuổi) lại tham gia phần thi năng khiếu của một cuộc thi hoa hậu nhí bằng một tiết mục nhảy sexy. Đây là một điệu nhảy mà Olive học từ một người ông nghiện ma túy. Cô bé không hề biết là mình đang học cái gì. Đơn giản, đó là ông của bé và tiết mục là kết quả của những lúc vui đùa của hai ông cháu. Tất nhiên tiết mục của Olive cũng như người nhà bị đả kích bởi “số đông” có mặt trong khán phòng khi đó và Olive bị cấm tham gia thi. Cả gia đình lại lên chiếc VW để trở về nhà, nhưng vẫn rất vui vì cuối cùng thì Olive cũng được trình diễn điệu nhảy. Chẳng có ai trong gia đình thắc mắc hay la mắng Olive về điệu nhảy rất tục của bé. Gia đình Olive không hẹp hòi như những người trong khán phòng. Quan trọng là Olive vui. Thế thôi. Đừng đòi hỏi gì hơn ở một đứa trẻ. Bộ phim giành được hai giải Oscar cho kịch bản gốc và vai nam phụ. 

Có thể, một ngày nào đó có lẽ Nam sẽ nhận ra rằng đọc nhiều sách hay học giỏi chưa hẳn là đã thành công. Nhưng mọi người để Nam tự nhận ra nhé! 

Còn câu cuối này là tôi muốn nói riêng với Nam. “Là trẻ con, đôi khi phải biết tha thứ lỗi lầm của người lớn!” (Cánh đồng bất tận - Nguyễn Ngọc Tư). 

Trần Đình Thanh Long - Giảng viên khoa Ngoại Ngữ (Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM)

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU: