Vụ việc hai “Hiệp sĩ đường phố” tử vong và 3 “hiệp sĩ” bị thương khi phát hiện, truy bắt tội phạm trộm cắp xe SH tại trước nhà số 348C Cách mạng Tháng Tám (phường 10, quận 3, TP. Hồ Chí Minh) vào tối ngày 13/5 đang khiến dư luận có nhiều ý kiến trái chiều.
Ai cũng biết những “hiệp sĩ đường phố” là những con người dũng cảm, nghĩa hiệp, không quản hiểm nguy, xả thân bắt cướp, bảo vệ cuộc sống yên bình cho người dân trước tình trạng tội phạm diễn biến ngày càng phức tạp.
Như Bộ trưởng Bộ Công an – Thượng tướng Tô Lâm đã viết trong thư thăm hỏi ân cần, chia buồn sâu sắc và tri ân tới gia đình và cá nhân những “Hiệp sĩ đường phố” đã hy sinh và bị thương: “Đây là hành động dũng cảm, nghĩa hiệp, sẵn sàng hy sinh trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, là nhân tố tiêu biểu trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần cùng với lực lượng Công an nhân dân bảo đảm an ninh chính trị, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn”.
Bộ trưởng Bộ Công an cũng đánh giá: “Các anh đã dũng cảm, không quản hy sinh, thể hiện rõ tinh thần xả thân vì nghĩa lớn”.
|
Hiện trường vụ án mạng. |
Tuy nhiên, một câu hỏi được dư luận đặt ra: “Những “hiệp sĩ đường phố” dù không quản hy sinh, xả thân vì nghĩa lớn nhưng có nên duy trì lực lượng này khi chưa có quy định nào về trách nhiệm hiệp sĩ đường phố trong việc bắt giữ người phạm tội cũng như chưa có cơ chế pháp lý quy định về phạm vi, quyền hạn, cơ chế đãi ngộ đối với họ?”.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, trách nhiệm chính về đảm bảo bảo an ninh trật tự, phòng chống các loại tội phạm do lực lượng công an thực thi trên cơ sở các quy định của pháp luật. Họ được đào tạo bài bản, được trang bị các đầy đủ chuyên môn, nghiệp vụ và các công cụ hỗ trợ cần thiết khi thi hành công vụ. Họ được hưởng lương từ ngân sách, từ tiền đóng thuế của nhân dân để đảm bảo an toàn an ninh trật tự cho xã hội, nhân dân và được pháp luật bảo hộ.
Trong khi đó, các “hiệp sĩ đường phố” hoạt động tự phát dưới mô hình câu lạc bộ Phòng chống tội phạm của những người nghĩa hiệp, có tâm, có trách nhiệm với cộng đồng. Trước tình hình tội phạm diễn biến phức tạp và khá manh động, liều lĩnh, đòi hỏi những người tham gia truy bắt phải có nghiệp vụ, được đào tạo, có vũ khí, công cụ hỗ trợ được pháp luật cho phép sử dụng.
Các “hiệp sĩ đường phố” tham gia phòng chống tội phạm cũng như mọi công dân đều có quyền bắt giữ người có hành vi phạm tội quả tang và áp giải đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.
Những “hiệp sĩ đường phố” dù rất tâm huyết, rất bản lĩnh, sẵn sàng hy sinh khi truy bắt tội phạm, dù được xã hội đồng thuận nhưng họ không được đào tạo bài bản, không có nghiệp vụ càng không có công cụ hỗ trợ nên rất dễ trở thành nạn nhân khi bị đối tượng phạm tội chống trả.
Hơn nữa, quá trình truy bắt tội phạm, các ‘hiệp sĩ đường phố” mà làm đối tượng phạm tội bị thương, thậm chí tử vong thì họ lại bị kết tội. Bởi hiện nay, pháp luật chưa có quy định nào về trách nhiệm “hiệp sĩ” đường phố trong việc bắt giữ người phạm tội, cũng chưa có cơ chế, quyền hạn, chế độ đãi ngộ với họ nên sẽ rất thiệt thòi nếu họ trở thành những nạn nhân, thậm chí khi họ vướng vòng lao lý.
Vụ việc trên cũng khiến dư luận đặt ra vai trò trách nhiệm của lực lượng công an địa phương khi để xảy ra tình hình trộm cắp, cướp giật hoành hành ngay giữa đường phố ở một trong những thành phố lớn nhất cả nước? Bởi lực lượng công an là những người đang hưởng lương để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn tính mạng cho người dân?
Lực lượng công an họ đang ở đâu khi những người dân trở thành những “hiệp sĩ đường phố” đi khắp hang cùng ngõ hẻm, bất chấp hiểm nguy truy bắt những tên trộm cướp? Trách nhiệm của họ ở đâu khi tình hình tội phạm diễn biến phức tạp khiến người dân phải đặt kỳ vọng vào những “hiệp sĩ đường phố” – vốn là những người dân không được hưởng lương, không có nhiệm vụ truy bắt cướp?
Bức xúc trước tội phạm lộng hành, họ phải gồng mình lên để đấu tranh với tội phạm, thậm chí hi sinh cả tính mạng nhưng tinh thần nghĩa hiệp với hai bàn tay trắng là chưa đủ để đấu tranh với tội phạm. Dù họ được xã hội cổ vũ, tiếp sức phong là những “hiệp sĩ”, những “anh hùng” nhưng rất tiếc chưa có quy định nào về chức năng, nhiệm vụ của họ cũng như cơ chế chính sách đãi ngộ với họ.
Dư luận cũng đặt ra câu hỏi: “Tại sao trên cả nước, mô hình câu lạc bộ phòng chống tội phạm lại chủ yếu ở TP HCM và Bình Dương và một số tỉnh tại miền nam? Tại sao Hà Nội và các tỉnh phía Bắc không khuyến khích câu lạc bộ phòng chống tội phạm, “Hiệp sĩ đường phố”…?
Để trả lời câu hỏi này, xin nêu ý kiến của Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, nguyên Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, nguyên phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh II (Bộ Công an) trả lời trên báo chí: “TP HCM nên thành lập tổ 141, 142 và thành lập tổ 141, 142 là cần thiết. Hai tổ công tác này nhằm mục tiêu trấn áp tội phạm trên đường phố, tội phạm nơi công cộng, tội phạm trên các tuyến giao thông... rất hiệu quả”.
Thực tế chứng minh, mô hình tổ 141, 142 mà lực lượng công an là nòng cốt đã phải huy khá hiệu quả trong công tác phòng chống tội phạm trên đường phố tại Hà Nội và một số tỉnh thành phía Bắc.
Khi lực lượng công an hoạt động có hiệu quả trong phong trào trấn áp tội phạm thì trách nhiệm ấy không dồn lên đôi vai những người dân nghĩa hiệp, họ không phải tay không lao vào khống chế những tên cướp mà chỉ cần báo tin cho lực lượng công an đến trấn áp các đối tượng phạm tội.
Nói như vậy không có nghĩa mô hình câu lạc bộ phòng chống tội phạm tại một số tỉnh thành phía Nam hoạt động không hiệu quả, không phải không khuyến khích người dân dũng cảm đấu tranh với các loại tội phạm. Nhưng để duy trì những “hiệp sĩ đường phố” cần tạo những cơ chế, quyền hạn được quy định nghiêm ngặt để bảo vệ họ và có những lớp huấn luyện đào tạo họ những kỹ năng ứng phó, khống chế đối tượng manh động cũng như có những chế độ cơ chế chính sách với họ khi họ hi sinh trong quá trình truy bắt tội phạm. Đừng để những “anh hùng” hi sinh vì cuộc sống người khác khi ngã xuống vẫn mãi là những hạt cát vô danh.
Thiên Nga