Vụ việc MC VTV Minh Tiệp bị người em vợ mới 15 tuổi lên mạng xã hội tố có hành vi bạo lực, đánh đập chính người em vợ suốt 5 năm hiện gây ra làn sóng phẫn nộ trên mạng xã hội.
Theo đó, ngày 25/5, trên mạng xã hội Facebook -tài khoản xã hội có tên Thuy Dung và tự nhận mình là em vợ của MC Minh Tiệp tố bị bạo hành, . Theo tài khoản này thì MC Minh Tiệp của Đài truyền hình Việt Nam nhiều lần sử dụng khúc gỗ đánh vào chân, đùi, trong khi Thuy Dung chỉ biết quỳ xuống sàn, khóc lóc. Tình trạng này xảy ra từ 5 năm trước, khi đó Thuy Dung mới học lớp 6 và chuyển đến sống cùng nhà với anh rể tại Hà Nội đến nay.
Thuy Dung cũng chia sẻ hình ảnh cô bị thương ở miệng do bị anh rể đánh đập và cho biết: “Quãng thời gian năm lớp 6 đấy thật sự là địa ngục”.
|
Ảnh: Dân Việt. |
Những chia sẻ nhói buốt tâm can của nữ sinh trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam (Hà Nội) ngay lập tức khiến cộng đồng mạng phẫn nộ với hàng nghìn ý kiến bày tỏ sự bất bình. Ngay website của Avaaz - tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ, có uy tín trong việc đấu tranh vì quyền con người, môi trường và tất cả vấn đề xã hội, một cuộc vận động thu thập chữ ký ủng hộ Thuy Dung gửi tới UNICEF đã được phát động ngày 27/5 đã thu hút gần 30.000 chữ ký.
Ngay cả tổ chức UNICEF đã liên hệ với Cục Trẻ em, cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam về các vấn đề trẻ em. Điều lạ lùng, dù chúng ta có tới 16 cơ quan có chức năng bảo vệ trẻ em nhưng chưa cơ quan nào lên tiếng và tiến hành làm rõ những tố cáo của nữ sinh 15 tuổi dù bé vẫn đang là một đứa trẻ.
Lên tiếng trên báo chí, trong tâm bão của dư luận, MC Minh Tiệp cho rằng, bản thân chưa bao giờ làm điều trái với lương tâm. Bản thân MC này cho biết, sự việc xảy ra do anh đi làm về chứng kiến Dung cầm kéo định đâm vợ anh, khi can ngăn thì xảy ra sự việc tố trên. MC này còn cho biết, ngay cả bố mẹ vợ cũng gửi lời xin lỗi. Thậm chí, vợ anh cũng bất bình vì những lời tố cáo của em cô ấy trên mạng xã hội. MC này còn cho biết, có đủ bằng chứng về việc em vợ bị kích động.
Vậy sự thật thế nào sau tiếng kêu thống thiết của một bé gái 15 tuổi, sau những lời biện hộ của MC nổi tiếng trên sóng truyền hình Quốc gia? Sự thật ấy hẳn nhiên là nữ sinh biết, MC Minh Tiệp biết và những người thân trong gia đình cô bé đều biết. Nhưng dư luận vẫn tin lời cô bé bởi không có lý do gì bỗng dưng cô bé lại lên mạng xã hội để vạch tội chính người anh rể của mình với những ngôn từ vô cùng bức xúc.
MC Phan Anh chia sẻ: "Đúng sai thế nào chưa thể kiểm chứng! Nhưng sự việc bé gái bị bạo hành là có thật. Điều quan trọng nhất là ý kiến của bé chưa được lắng nghe một cách nghiêm túc, chưa thấy các cơ quan bảo vệ trẻ em vào cuộc... Nếu đúng sự việc như diễn biến chia sẻ trên cộng đồng mạng khi bé đang bị cô lập từ chính gia đình thì quả là một đau xót kinh khủng. Nếu không có sự can thiệp kịp thời thì có thể một đời người bị phá hỏng từ đây!".
Sự thật sẽ được làm sáng tỏ nếu các cơ quan có chức năng bảo vệ trẻ em ở Việt Nam tích cực vào cuộc. Chúng ta có Luật Phòng chống bạo lực gia đình và luật trẻ em có hiệu lực từ 6/2017. Nếu như những lời tố cáo của em Thuy Dung là sự thật rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng.
Bởi trẻ em bị bạo hành sẽ gặp phải nhiều vấn đề gây ảnh hưởng tới sự phát triển, thậm chí hủy hoại cuộc sống của các em trong tương lai. Các em có nguy cơ cao bị trầm cảm, mắc phải các vấn đề về sức khỏe tâm thần, có thể dẫn đến tự tử. Nhất là khi không có sự sẻ chia từ những người thân trong gia đình và các cơ quan hữu quan có chức năng bảo vệ trẻ em.
Lời kêu cứu của một đứa trẻ trên mạng xã hội không chỉ là một sự bức xúc, đó là những cảm xúc được dồn nén nhiều năm đến lúc đến cao trào ngoài sức chịu đựng, nữ sinh này mới phải lên mạng xã hội để bộc bạch những lời tâm sự cho những ngột ngạt trong cuộc sống mà em trải qua. Tâm sự ấy của nữ sinh được các bạn bè, thầy cô giáo trường Amsterdam lên tiếng bảo vệ có nghĩa là không phải không có cơ sở.
Ngay trong Luật Trẻ em mới có hiệu lực gần một năm nay tiếp cận trên cơ sở, góc độ liên quan tới Công ước quốc tế về Quyền trẻ em mà Việt Nam đã cam kết tham gia quy định rất rõ các quy trình bảo vệ trẻ em theo 3 cấp độ (phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp), từ khi phát hiện các vấn đề, tố cáo hành vi xâm hại trẻ em tới các quy trình hỗ trợ can thiệp; trách nhiệm của các bộ, ban ngành, đơn vị liên quan tới trẻ em...
Vậy còn chờ đợi gì nữa mà các cơ quan chức năng không vào cuộc, nếu MC này có hành vi bạo hành trẻ em cần phải xử lý nghiêm theo luật định, nếu MC Minh Tiệp bị oan cũng cần được làm sáng tỏ.
Chúng ta có đến 16 cơ quan hữu quan bảo vệ trẻ em với hệ thống pháp luật chặt chẽ, không thể để lời kêu cứu của một đứa trẻ trôi vào hư vô. Đã đến lúc cần những hành động mạnh mẽ từ chính lời kêu cứu của đứa trẻ này…
Thiên Nga