Lái xe truy đuổi khiến tên cướp tử vong: Có nên xử lý hình sự?

Google News

(Kiến Thức) -Luật sư Thơm cho rằng, nếu cơ quan điều tra xét thấy hành vi của lái xe có dấu hiệu tội phạm thì đó cũng là loại tội phạm ít nghiêm trọng và chắc chắn sẽ được sự khoan hồng đặc biệt khi xét xử.

Liên quan vụ lái xe truy đuổi khiến tên cướp tử vong, điều tra ban đầu của Công an quận 9, TP HCM cho thấy, anh Hoàng Quốc Bảo (21 tuổi, ngụ Đồng Nai) lái ôtô chở người thân từ Sài Gòn về Đồng Nai, rạng sáng 26/4. Đến khu vực phường Phước Long A (quận 9), anh Bảo dừng xe bên đường đi vệ sinh.
Lúc này, Nguyễn Hoàng Lâm chạy xe máy chở Nguyễn Thế Ngọc (37 tuổi) dừng cách đó một đoạn. Ngọc lén lại mở cửa ôtô, giật túi xách và điện thoại của người thân anh Bảo đang ngủ trong xe, cùng Lâm tháo chạy. Khi phát hiện sự việc trên, anh Bảo đã lái xe truy đuổi. Khi đến đường Thủy Lợi, ôtô của anh Bảo va chạm với xe hai tên cướp làm chúng ngã nhào. Ngọc bị khống chế giao công an, Lâm chạy thoát. Trong lúc làm việc tại trụ sở công an, Ngọc kêu đau bụng, sau đó được đưa đến bệnh viện nhưng tử vong sau đó, nghi do vỡ bàng quang. Cùng ngày, Lâm đến đầu thú, thừa nhận cùng Ngọc lên kế hoạch đi trộm tài sản trước đó. Anh ta có tiền án về tội Cướp tài sản, Sử dụng và mua bán trái phép chất ma túy.
Lai xe truy duoi khien ten cuop tu vong: Co nen xu ly hinh su?
Cảnh sát khám nghiệm hiện trường Ngọc và Lâm ngã. Ảnh: Pháp luật TP HCM. 
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng VPLS Nguyễn Anh, Đoàn LSTP Hà Nội đã nêu một số ý kiến, quan điểm nhìn nhận vụ việc dưới góc độ pháp lý.
Theo luật sư Thơm, những năm gần đây, tình trạng cướp giật ở TP Hồ Chí Minh diễn ra ngày càng manh động, phức tạp và rất táo tợn gây bức xúc trong quần chúng nhân dân và suy giảm hình ảnh con người Việt Nam trong con mắt bạn bè quốc tế khi đến thăm nước ta.
“Tâm lý người dân ra đường là lo sợ cướp giật, không dám mang tư trang, túi xách, thậm chí không dám mua xe máy đắt tiền vì sợ bị cướp. Có du khách đến tham quan thành phố bị cướp giật tư trang, giấy tờ kêu khóc sự giúp đỡ của cộng đồng một cách rất khổ tâm”, Luật sư Thơm cho biết.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm cũng liệt kê hàng loạt các vụ cướp, cướp giật gây rung động dư luận trong thời gian qua như vụ cô gái Lê Thị Bích Tuyền (25 tuổi, ở Đồng Tháp) đã tử vong sau khi bị kẻ cướp giật túi xách trên đường Võ Thị Sáu (phường Tân Định, quận 1) ngày 27/6/2016. Cô gái chết khi trên đường về quê giỗ cha. Trước đó, năm 2012, người dân Sài Gòn bàng hoàng khi hay tin chị Nguyễn Thị Ngọc Thúy bị Hồ Duy Trúc chặt tay trên cầu Phú Mỹ (quận 7, TP.HCM), để cướp xe SH.Gần đây, tối 13/5/2018, cả Sài Gòn như rung động trước tin nhóm trộm xe SH đâm chết 2 hiệp sĩ đường phố và 3 người khác trọng thương.
“Các vụ cướp giật nếu nạn nhân chấp nhận buông xuôi thì may mắn thoát chết, còn nếu chống cự giành giật lại tài sản đa phần bị thương hoặc tử vong Bởi lẽ, các đối tượng phạm tội thường có nhiều tiền án tiền sự, nghiện ma túy, không có công ăn việc làm, chuẩn bị hung khí nguy hiểm mang theo để sẵn sàng chống trả lại khi bị truy bắt hoặc giành giành giật lại tài sản. Do sợ bọn cướp, cướp giật tài sản hành hung chống lại gây tử vong nên nạn nhân hoặc người dân e ngại tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm trên đường phố. Chính vì lý do đó mà tội phạm dù có bị xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật nhưng tình hình tội phạm vẫn còn hết sức nóng bỏng, chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Để đấu tranh và giảm tội phạm thì ngoài lực lượng thực thi pháp luật thì yếu tố chủ chốt vẫn phải dựa vào sức mạnh của quần chúng nhân dân thì mới có hy vọng đạt kết quả cao”, Luật sư Thơm nêu ý kiến.
Theo Luật sư Thơm, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định về Trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm: “Tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ phát hiện, tố giác, báo tin về tội phạm; tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm.”
Đối với người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm mà bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay người bị bắt đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất.
Quy định mới của BLHS 2015 lần đầu tiên đã đề cập tại Điều 24 việc gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội “Hành vi của người để bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội mà không còn cách nào khác là buộc phải sử dụng vũ lực cần thiết gây thiệt hại cho người bị bắt giữ thì không phải là tội phạm.Trường hợp gây thiệt hại do sử dụng vũ lực rõ ràng vượt quá mức cần thiết, thì người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm hình sự”.
“Xét về động cơ mục đích của lái xe ô tô khi truy đuổi theo xe mô tô của 2 đối tượng là nhằm bảo vệ tài sản của mình và bắt giữ người phạm tội quả tang. Lái xe ô tô không có động cơ tước đoạt tính mạng của đối tượng. Nguyên nhân chết của đối tượng theo thông tin ban dầu là vỡ bàng quang do tác động của vật tày tác động (có thể xe mô tô bị ngã đè vào). Nghĩa là cái chết của đối tượng không phải do lái xe ô tô trực tiếp đâm gây ra như cán chết. Hậu quả chết người xảy ra là điều mà lái xe không mong muốn. Tuy nhiên, do có tác động va chạm giữa xe ô tô và xe máy thì mới có việc xe máy bị đổ ngã và nạn nhân bị tử vong do vỡ bàng quang. Do đó, cần xem xét tính chất mức độ hành vi và hậu quả do lái xe gây ra trong trường hợp bắt giữ người phạm tội”, Luật sư Thơm nêu ý kiến.
Theo quan điểm của Luật sư Thơm, hành vi của lái xe ô tô là đáng được biểu dương và không cần thiết phải xử lý hình sự vì trong tình hình hiện nay khi nạn cướp giật đang gây rất bức xúc trong dư luận ở thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 8 BLHS quy định về Tội phạm “Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác”.
“Suy cho cùng, hành vi của lái xe đã thực hiện trách nhiệm công dân tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm. Dẫu biết rằng, tính mạng con người là điều cao quý nhất của cuộc sống. Mọi hành vi tước đoạt quyền sống của người khác trái pháp luật đều bị xử nghiêm theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong trường hợp này cần xét đến bối cảnh xảy ra sự việc, nguyên nhân chết của đối tượng cướp giật tài sản để từ đó chúng ta có thể đánh giá tính chất mức độ và căn cứ vào quy định của pháp luật để xử lý vụ việc có lý, có tình”, Luật sư Thơm cho biết.
Theo luật sư Thơm, trước tiên phải làm rõ hành vi phạm tội của 2 đối tượng (trong đó có 01 đối tượng tử vong) đã cấu thành tội phạm Cướp giật tài sản theo Điều 171 BLHS 2015.
“Hành vi phạm tội của các đối tượng không những đã xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của công dân được pháp luật bảo vệ mà còn gây mất an ninh trật tự trên địa bàn Thành phố, gây hoang mang lo sợ trong quần chúng nhân dân nên cần phải xử lý nghiêm minh trong tình hình hiện nay. Do đó, việc người dân tham gia đấu tranh chống tội phạm là đáng biểu dương hơn là xem xét xử lý. Các đối tượng phạm tội rất manh động, liều lĩnh với thủ đoạn nguy hiểm thì hậu quả xảy ra trước tiên là do lỗi của mình gây ra”, Luật sư Thơm nêu ý kiến.
Luật sư Thơm cho rằng, nếu cơ quan điều tra xét thấy hành vi của lái xe có dấu hiệu tội phạm thì đó cũng là loại tội phạm ít nghiêm trọng và chắc chắn sẽ được sự khoan hồng đặc biệt khi xét xử.
“Trong trường hợp này, xét về nguyên nhân chết của nạn nhân, vụ việc xảy ra trong việc bắt giữ người phạm tội quả tang nên hành vi của lái xe ô tô đã có dấu hiệu phạm tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Khoản 3 Điều 136 BLHS 2015”, Luật sư Thơm cho hay.
Tuy nhiên, một số chuyên gia pháp lý cho rằng, người dân có quyền bảo vệ tài sản của mình và người thân trong trường hợp bị cướp. Tuy nhiên, nếu việc truy đuổi là nguyên nhân tai nạn khiến kẻ cướp tử vong là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, người truy đuổi có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.
Điều 136. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
3. Phạm tội dẫn đến chết người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.

Hải Ninh