Có lẽ từ lâu lắm rồi, khi tóc còn để chỏm, cùng đám trẻ con hàng xóm nô đùa dưới ánh trăng thu. Bây giờ, tóc đã điểm sương mà lòng vẫn như ngày xưa ấy, háo hức chờ đợi Trung thu.
Mỗi mùa Trung thu đến, lòng tôi lại lâng lâng khó tả. Cái cảm giác ấy có tự bao giờ tôi không nhớ nữa. Có lẽ từ lâu lắm rồi, khi tóc còn để chỏm, cùng đám trẻ con hàng xóm nô đùa dưới ánh trăng thu. Bây giờ, tóc đã điểm sương mà lòng vẫn như ngày xưa ấy, háo hức chờ đợi Trung thu.
|
Hình minh họa |
Đón Trung thu này lại nhớ Trung thu xưa!
Ấy là những mùa Trung thu của thời con trẻ. Bây giờ nhớ lại, thấy nao nao lòng.
Ngày ấy, do hoàn cảnh chiến tranh, Trung thu không ồn ào, sôi động như bây giờ. Thậm chí những năm bom đạn ác liệt, còn không dám thắp sáng đèn Trung thu vì sợ máy bay Mỹ nó đánh toạ độ. Những mùa Trung thu ấy giản dị, mộc mạc, chân quê nhưng đọng lại thật sâu sắc trong kí ức tuổi thơ tôi.
Thời ấy làm gì có hàng quán bày bán đủ thứ quà bánh phục vụ Trung thu như bây giờ. Miền quê nghèo cho nên việc chuẩn bị cho Trung thu cũng đơn giản. Bọn trẻ thường tự lo lấy. Vật liệu thì có sẵn. Chỉ cần bỏ ra nửa ngày là có ngay một cái đèn ông sao phết bằng giấy báo cũ. Những cái đèn kiểu ấy, bây giờ có thể coi là đồ cổ, chẳng ai thèm chơi nhưng với những đứa trẻ thôn quê ngày ấy là cả một niềm vui và kiêu hãnh.
Kì công nhất là làm trống ếch. Cuối tháng bảy, đầu tháng tám đã lo săn ếch rồi. Được một chú ếch bự thì mừng không kể xiết. Da ếch được lột rất cẩn thận, bịt vào một đầu ống nứa to cắt ngắn chỉ còn độ nửa gang tay rồi phơi dưới cái nắng gay gắt của tháng tám. Cả ngày không dám đi chơi đâu vì còn lo canh chừng cái “vật báu” ấy. Lơ đễnh một chút, chẳng may có chú mèo nào chộp được thì coi như bao nhiêu công sức đi tong, và Trung thu năm ấy không còn muốn vác cái mặt buồn rười rượi đi chơi vì đã trót ba hoa với đám bạn rồi.
Tôi còn nhớ có một lần, lũ trẻ chúng tôi dưới sự hướng dẫn của thầy giáo làng và anh chị phụ trách, tập hợp ở sân kho hợp tác. Đứa nào đứa nấy mừng ra mặt. Mới chập tối đã rầm rộ tiến về sân kho, khua trống, múa sao ầm ĩ.
Trăng đã nhô lên như cái mâm nhỏ giát vàng, toả ánh sáng lung linh, trong trẻo trên khắp đường thôn ngõ xóm. Giây phút được chờ đợi nhất của cái gọi là buổi lễ đón Trung thu ở quê thời chiến ấy đã đến: chúng tôi được phát kẹo! Mỗi đứa chỉ được vài ba cái kẹo văn (loại kẹo cứng quấn giấy bóng, người quê gọi là kẹo văn), cắn khó vỡ, chỉ để ngậm cho tan dần. Cho nên chỉ hai cái kẹo thôi cũng đủ ngọt miệng cả đêm Trung thu vừa đi vừa hò hét ầm ĩ khắp xóm làng.
Trung thu ngày ấy, bây giờ nhớ lại mà thương!
(Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả)
Nguyễn Duy Xuân