Vụ việc bé Lê Hoàng L. (6 tuổi) – học sinh lớp 1 trường Gateway tử vong ngày 6/8 sau khi bị bỏ quên trong xe ô tô đưa đón học sinh của nhà trường đang khiến dư luận phẫn nộ với sự tắc trách của không chỉ lái xe mà cả giáo viên nhà trường.
Tóm tắt diễn biến vụ việc, vào 7h30 sáng, xe đưa đón học sinh vào trường quốc tế Gateway (Cầu Giấy - Hà Nội) trên xe có học sinh Lê Hoàng L. Tuy nhiên, sau đó, đến 16h30 chiều cùng ngày, cháu bé mới được phát hiện... bỏ quên trên xe trong tình trạng tím tái nên được đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong trước khi vào bệnh viện.
Hiện Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) đang phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra làm rõ nguyên nhân việc bé tử vong. Nhưng với những thông tin ban đầu cho thấy sự tắc trách của những người liên quan như lái xe và giáo viên nhà trường.
Không thể hiểu nổi vì sao con người ta lại có thể vô tâm đến như vậy. Lái xe vô tâm đến mức không kiểm tra xe trước khi đóng cửa! Giáo viên quản sinh vô tâm đến mức không kiểm soát sĩ số học sinh lên xuống! Giáo viên quản lý lớp học vô tâm, tắc trách đến mức không thấy học sinh đến lớp cũng không liên lạc với gia đình nguyên do!
Sự vô tâm, tắc trách của hàng loạt con người như trên đã dẫn tới hậu quả đau lòng khiến một học sinh mới đến trường được ngày thứ 2 đã phải chết oan uổng như thế.
|
Những người thân cháu bé đau đớn chết lặng và không tin những gì đã xảy ra với cháu bé. |
Khi tiếp nhận những thông tin trên, không ít người đã sốc thực sự đã đau đớn thật sự bởi sự việc đau lòng xảy ra cướp đi mạng sống của một đứa trẻ chỉ vì sự tắc trách của người lớn. Người ngoài khi biết thông tin như vậy đã đau đớn như thế, hỏi những người thân trong gia đình cháu bé còn đau đớn tột cùng đến như thế nào. Cứ nghĩ đến việc từ 7h30 sáng đến 16h30 chiều, cháu bé mới có 6 tuổi bị giam nhốt trong chiếc xe ngột ngạt đến mất cả tính mạng thì khoảng thời gian ấy kinh hoàng với cháu tới mức nào?
Ngay khi xảy ra vụ việc, trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn Luật sư Hà Nội đã phải thốt lên rằng, thật không thể nào tưởng tượng nổi một trường quốc tế mà lại để xảy ra vụ việc tắc trách như vậy, gây hậu quả nghiêm trọng, khiến một học sinh lớp 1 thiệt mạng oan uổng đến như thế.
Trường quốc tế Gateway giống như nhiều trường quốc tế khác mọc lên khá nhiều tại Hà Nội với mức học phí cao ngất ngưởng 117 triệu đồng (chưa bao gồm phí học liệu, tiền ăn, xe đưa đón và phí trông muộn) đối với học phí bậc tiểu học năm 2019 – 2020.
Tất nhiên, không phải phụ huynh nào cũng dư giả về tài chính để cho con học các trường này, nhiều người cũng vẫn còn khó khăn nhưng muốn cho con phát triển tốt nên chấp nhận đầu tư để cho con có điều kiện học tập tốt hơn, có nhiều trải nghiệm hơn và có nhiều cơ hội hơn trong cuộc sống.
Khi đã chấp nhận chi phí một số tiền lớn hơn rất nhiều lần các trường công lập thì các phụ huynh cũng rất mong muốn là con mình được sống trong một môi trường lành mạnh, an toàn và được phát triển toàn diện trong quá trình học tập.
Thông tin học sinh bị nhà trường bỏ quên trên xe khiến cháu bé tử vong sẽ khiến nhiều người thực sự sốc, cảm thấy lo lắng cho con em mình khi những đứa trẻ phải đi học bằng xe buýt của nhà trường.
Bởi việc đưa đón học sinh là một việc làm đòi hỏi phải có chuyên môn, nghiệp vụ, phải hết sức thận trọng. Thậm chí người làm những nhiệm vụ này phải được đào tạo hết sức tỷ mỷ trước khi thực hiện nhiệm vụ để đảm bảo an toàn cho trẻ trong quá trình di chuyển, tham gia giao thông.
Sự việc này sẽ gây lo lắng cho nhiều phụ huynh về chất lượng dịch vụ của các trường có xe đưa đón kiểu này và tiềm ẩn những rủi ro cho trẻ em khi phụ huynh sử dụng dịch vụ đưa đón học sinh của nhà trường.
Tại bệnh viện E tối ngày 6/8, Chủ tịch HĐQT trường quốc tế Gateway - Trần Thị Hồng Hạnh nói rằng:"Chúng tôi xin nhận trách nhiệm về sự việc", Tuy nhiên, khó có trách nhiệm nào bù đắp được mạng sống của một đứa trẻ từ hành vi tắc trách của các cán bộ, giáo viên nhà trường đến như thế.
|
Luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn Luật sư Hà Nội đã phải thốt lên rằng, thật không thể nào tưởng tượng nổi một trường quốc tế mà lại để xảy ra vụ việc tắc trách như vậy, gây hậu quả nghiêm trọng, đau lòng đến như vậy. |
Bởi vậy, theo Luật sư Đặng Văn Cường, cơ quan điều tra cần khẩn trương vào việc cuộc, xác minh làm rõ nguyên nhân tử vong của nạn nhân và làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan đến vụ việc này để có hình thức xử lý phù hợp. Nếu kết quả điều tra cho thấy nạn nhân bị tử vong do người lái xe và giáo viên bỏ quên trên xe thì người lái xe và giáo viên, người có chức trách, nhiệm vụ đưa, đón học sinh này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, đủ căn cứ để xử lý hình sự về tội vô ý làm chết người hoặc tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính.
Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra sẽ làm rõ các quy tắc hành chính hoặc quy tắc nghề nghiệp trong việc đưa, đón học sinh của trường này. Trách nhiệm của người được giao nhiệm vụ đưa, đón học sinh như thế nào, các kỹ năng kiến thức cần thiết trong việc đưa, đón học sinh....
Nếu có căn cứ cho thấy người có trách nhiệm, nhiệm vụ trong việc đưa, đón học sinh đã không thực hiện hết trách nhiệm của mình do chủ quan hoặc do cẩu thả dẫn đến việc học sinh bị bỏ quên trên xe và tử vong thì những người có trách nhiệm đưa đón học sinh này sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 129 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, cụ thể tội danh và hình phạt được quy định như sau: Điều 129. Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính 1. Người nào vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. 2. Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm. 3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Để xử lý về tội danh này thì cơ quan điều tra cần chứng minh lỗi vô ý của người có nhiệm vụ, quyền hạn trong việc đưa, đón học sinh, quản lý học sinh. Theo quy tắc thì lái xe và người được giao nhiệm vụ đưa, đón học sinh có trách nhiệm kiểm tra số học sinh lên xe, số học sinh xuống xe và tình trạng sức khỏe của học sinh trong quá trình di chuyển, nếu có dấu hiệu bất thường thì cần phải có biện pháp xử lý phù hợp. Đối với giáo viên thì có trách nhiệm tiếp nhận học sinh, trong trường hợp học sinh có biểu hiện ốm đau, mệt mỏi hoặc không đến lớp thì giáo viên phải liên hệ với phụ huynh và báo cho nhà trường. Giáo viên quản lý lớp thấy thiếu học sinh mà không thông báo, không tìm kiếm thì những người này cũng có lỗi và cần phải xem xét trách nhiệm.
Hải Ninh