Vụ việc học sinh Nguyễn Nhật Phi, học sinh lớp 11 Trường THPT Trần Quang Diệu (huyện Hoài Ân, Bình Định) dùng cây sắt đánh bị thương thầy giáo Lê Quang Khanh (32 tuổi, giáo viên dạy toán Trường THPT Trần Quang Diệu) khiến dư luận tiếp tục bất bình về tình trạng học sinh hỗn láo đánh thầy cô giáo đang ngày một gia tăng trong thời gian qua.
Trong vụ việc trên, điều khiến dư luận không thể chấp nhận cách hành xử của nam sinh này bởi nguyên nhân dẫn đến hành vi phản giáo dục, vi phạm pháp luật của học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường chỉ vì bị thầy giáo nhắc nhở do chơi điện thoại trong giờ chào cờ, thiếu nghiêm túc trong việc thực hiện nội quy nhà trường.
|
Trường THPT Trần Quang Diệu (huyện Hoài Ân, Bình Định) nơi xảy ra vụ việc. Ảnh: VOV |
Trước đó, nhiều vụ việc học sinh giở thói côn đồ, đánh thầy, cô giáo đến mức trọng thương, phải vào viện cấp cứu đều khiến dư luận bất bình như vụ việc mới đây, vào tháng 10/2018, tại Trường THPT Cao Bá Quát (TP Buôn Ma Thuột), một học sinh lớp 10 ở Đắk Lắk đã dẫn người tới đánh thầy giáo gãy xương mũi ngay trong phòng làm việc của thầy.
Trước đó, tháng 4/2018, học sinh Ngô Văn Công (học sinh lớp 12A6, trường THPT Trần Hưng Đạo, Quảng Bình) khi bị thầy giáo nhắc nhở về việc hình xăm trên người đã dùng dao đâm vào bụng thầy giáo hay như vụ việc xảy ra cuối năm 2016 từng gây chấn động dư luận khi một học sinh cấp 2 đã bị học sinh cầm dao chém thầy trước mặt phụ huynh dẫn đến thầy giáo phải nhập viện.
Đó chỉ là vài vụ việc điển hình trong số rất nhiều vụ việc học sinh hỗn láo đuổi đánh thầy cô giáo nhưng tiếc rằng, năm nào những sự việc đau lòng của ngành giáo dục trên vẫn xảy ra dù sau mỗi vụ việc người ta đều cho rằng, hành động của học trò là không thể chấp nhận và ngành giáo dục lại đưa ra những biện pháp để chấn chỉnh.
Trước nhiều vụ việc học sinh ngày càng hỗn láo với học trò, nhiều người cảm thấy đau xót cho ngành giáo dục nhưng tình trạng trên không còn ở mức báo động mà đang phát triển và ngày càng phổ biến.
Cũng không khó để lý giải việc học sinh ngày càng hỗn láo với thầy cô giáo bởi khi internet và mạng xã hội phát triển, học sinh ngày càng sớm tiếp cận với nhiều thông tin xấu ảnh hưởng đến tư duy và lối sống, cách ứng xử. Hơn nữa, có không ít các phụ huynh thường nuông chiều con cái mà không nghiêm khắc dạy dỗ. Trong khi đó, ngay chính bản thân thầy cô giáo và nhà trường vì lo sợ phụ huynh phản ứng mà không dám xử phạt nặng tay với các học sinh cá biệt để giúp các em nhìn nhận lại cách ứng xử.
Thông thường học sinh vô lễ, hỗn láo thường rơi vào những học sinh cá biệt không ngoan ngoãn và học sinh bị tác động bởi những tình huống mà các em không kiềm chế được bản thân. Dù trong hai trường hợp trên thì thầy cô giáo nên có những ứng xử phù hợp, phải luôn tỉnh táo kiểm soát bản thân để không đẩy sự việc đi quá xa. Đồng thời, nhà trường cần nghiêm khắc với những học sinh hỗn láo với thầy cô giáo, có những biện pháp phối hợp với gia đình để uốn nắn các em thành người có ích cho xã hội.
Trước những sự việc học sinh đánh thầy cô giáo ngày càng phổ biến, ngành giáo dục nên có những chế tài nghiêm khắc để những vụ việc đau lòng không tiếp tục xảy ra. Đồng thời, cần nghiên cứu lại chương trình ở các trường sư phạm, phải học tập thế nào đó về cách ứng xử với lứa tuổi học trò. Bởi môi trường giáo dục không thể chấp nhận sự tồn tại của những học sinh hỗn hào, không đủ nhân cách.
Thiên Nga