Chúng ta đang sống trong một “xã hội thông tin” mà ở “xã hội” ấy, đáng tiếc niềm tin vào “sự thật” trong một bộ phận người dân lại là thứ rất mơ hồ. Người ta hành động theo cảm xúc, tình cảm, mọi suy nghĩ, hành động đều bị tác động rất lớn bởi người khác đến mức tự đánh mất mình mà không hề hay biết.
Chỉ một vài status trên mạng xã hội với thông tin chưa kiểm chứng, họ dễ dàng tin đó là sự thật và bị chi phối bị dẫn dắt, không cần xác tín, họ vội vã share, vội vàng comments đề hùa theo. Người ta gọi đó là tâm lý đám đông. Và khi tham gia đám đông ấy, chúng ta có thể là nạn nhân của trào lưu đám đông hoặc cũng có thể là người tạo ra trào lưu ấy.
Trên thực tế không khó để lấy ví dụ về những sự việc đáng tiếc đã xảy ra cho thấy tâm lý đám đông đáng sợ như thế nào.
Vụ việc PGS – TS Bùi Hiền đưa ra ý tưởng cải tiến bảng chữ cái tiếng Việt, mạng xã hội bỗng dưng như một “cơn cuồng phong” xỉ vả, xúc phạm PGS Bùi Hiền. Họ không nhìn thấy, đó chỉ là ý tưởng, họ không nhìn thấy PGS Bùi Hiền đã làm việc hết sức nghiêm túc cho nghiên cứu của mình trong suốt hai thập kỷ, thay vào đó, họ cùng nhau sử dụng quyền tự do bày tỏ ý kiến một cách tùy tiện, không ngần ngại buông lời xúc phạm những nhà nghiên cứu, thậm chí khi đó, một kẻ không bằng cấp cũng có thể vô tư chửi bởi người có học hàm giáo sư đáng tuổi cha chú họ.
|
Tin vào thông tin không đúng sự thật, nhiều người đã hùa nhau vào đập phá, đốt xe của một giám đốc doanh nghiệp ở Hải Dương. |
Hay mới đây, một bức ảnh một thành viên của phái đoàn Việt Nam đang chợp mắt ngay tại chỗ ngồi trong phòng họp tại trụ sở nơi diễn ra phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lần thứ 73 tại New York, Mỹ được chia sẻ nên mạng xã hội, đám đông không cần quan tâm bối cảnh thành viên đó ngủ rất có thể trong giờ giải lao, họ cũng không cần quan tâm đến sự mệt mỏi do quá trình di chuyển cùng với lịch trình làm việc căng thẳng thì thành viên đoàn có thể tranh thủ chợp mắt cũng là dễ hiểu. Họ chỉ nhìn thấy một thành viên đang ngủ và cho rằng điều đó không thể chấp nhận được, họ thỏai mãi chỉ trích, chê bai, thóa mạ người bị chụp ảnh.
Hai ví dụ trên cho thấy sự xuống cấp trong văn hóa tranh luận, văn hóa giao tiếp giữa người với người trong một xã hội thông tin hiện nay.
Điều đáng quan ngại, lợi dụng tâm lý đám đông, không ít người đã tung hô những tin đồn thất thiệt lên mạng xã hội để “câu like”, “câu share” nhằm những mục đích cá nhân không trong sáng. Trong số những chủ đề hot nhất để câu like đó có lẽ là việc tung tin đồn thất thiệt về bắt cóc trẻ em – bởi chủ đề này luôn thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận nên được nhiều người tận dụng triệt để.
Ví như mới đây, tại huyện Ba Vì (Hà Nội), một cháu bé đi siêu thị chơi cùng bố mẹ. Khi chơi tại khu vực đồ chơi, cháu bé khóc, đúng lúc này, một người hàng xóm đi qua nên vào dỗ dành cháu và bế cháu bé về cho gia đình khi không thấy bố mẹ cháu đâu. Thông tin chỉ có vậy nhưng ngay lập tức trên mạng xã hội xuất hiện status sự việc trên với nội dung nghi ngờ bắt cóc trẻ em. Đây không phải là vụ việc lần đầu tiên, người ta đưa thông tin thất thiệt về bắt cóc trẻ em lên mạng xã hội mà trước đó đã có hàng trăm vụ việc đưa thông tin thất thiệt ở khắp nơi và đã bị xử lý.
Hoang tin thất thiệt về bắt cóc trẻ em không chỉ làm đám đông hiếu kỳ vào bình luận mà đã khiến nỗi sợ hãi về tình trạng bắt cóc trẻ em ăn sâu trong tiềm thức người dân. Nhiều vụ việc đau lòng đã xảy ra như vụ việc một người phụ nữ bị tâm thần đi lang thang qua địa phận thôn Hà Trang (xã Nam Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình) bị người dân hiểu lầm là bắt cóc trẻ em nên họ đã hùa vào vây đánh người phụ nữ đáng thương đến nhập viện. Có giám đốc doanh nghiệp ở Tuyên Quang, sau khi ăn nhậu tại một nhà hàng đã lái xe nhầm vào ngõ, không biết đường ra đành phải hỏi các cháu nhỏ và nhờ một cháu gái lên ô tô để chỉ đường cho ông đi hết ngõ nhưng sau đó bị hiểu lầm là đối tượng tình nghi bắt cóc trẻ em và bị người dân đánh đấm.
|
Chiếc xe bị người dân đốt ở huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương). |
Nghiêm trọng hơn là sự việc đôi nam nữ đến nhà dân để hỏi mua gạo tại xã Hoài Thanh Tây (huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) và bị nghi ngờ bắt cóc trẻ em. Hơn 500 người quá khích đã ngay lập tức xông vào đòi đánh đôi nam nữ. May mắn thời điểm đó công an huyện xuống kịp thời nếu không hậu quả xảy ra rất khủng khiếp.
Trên thực tế không ít người đã phải trả giá về những hành vi quá khích do tâm lý đám đông như sự việc 3 người dân ở huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương) bị khởi tố bắt tạm giam do tham gia và cầm đầu vụ đốt xe của người mà họ nghi ngờ có hành vi thôi miên, bắt cóc trẻ em. Dù trước đó, người đàn ông bị nghi ngờ đồng thời là chủ doanh nghiệp đã giải thích cặn kẽ nhưng không thể lấy được niềm tin của hàng trăm người đang nung nấu suy nghĩ anh ta nhất định là có hành vi thôi miên để bắt cóc trẻ em. Chính sự dễ dãi cả tin, không kiểm chứng thông tin, họ đã phải trả bằng cái giá quá đắt.
Đó là những ví dụ điển hình về hậu quả do tâm lý đám đông gây ra cho xã hội dù thực tế nhiều hậu quả nặng nề hơn đã xảy ra khi các nạn nhân của đám đông thậm chí phải tự vẫn, doanh nghiệp tán gia bại sản, hạnh phúc gia đình tan vỡ, xã hội trở lên bất an hơn.
Làm sao để chấm dứt hoang tin bắt cóc trẻ em cũng như nhiều hoang tin khác gây bất an trong xã hội? Muốn vậy, cần phải xử lý nghiêm những kẻ tung tin đồn thất thiệt, sai sự thật lên mạng xã hội. Bởi dù đưa thông tin một cách vô thức hoặc do nhận thức còn hạn chế hay có mục đích để câu like nhằm bán hàng online thì cũng để lại những hậu quả nghiêm trọng, gây hoang mang lo lắng trong dư luận dẫn đến nhiều hệ quả xấu.
Cùng với đó, khi tiếp nhận thông tin trên mạng xã hội hay trong cuộc sống thực tế, chúng ta nên hoài nghi để kiểm chứng lại thông tin. Khi mỗi người tham gia đón nhận thông tin một cách có ý thức, có trách nhiệm, có đạo đức, đồng thời nâng cao cảnh giác với những thông tin thất thiệt, thì những sự việc đáng tiếc trên sẽ không xảy ra.
Trước khi hành động về điều gì, đừng nhanh tay, hãy dùng não bộ để suy nghĩ về sự đúng sai!
Thiên Nga