Hiểu sao cho đúng cách đánh vần lạ?

Google News

(Kiến Thức) - Ngay trước thềm năm học mới, các bậc phụ huynh tỏ ra lo lắng bởi hiện nay đang song hành hai cách phát âm, một là theo bộ sách hiện hành (cách đánh vần cũ) và hai và theo bộ sách Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại (cách đánh vần mới).

Trước thềm năm học mới, ngành giáo dục lại nổ ra những tranh luận không ngớt khi trên mạng xã hội xuất hiện clip được cho là cô giáo tiểu học dạy cách đánh vần Tiếng Việt theo cách độc một số chữ như “Ki” đọc là Cờ - i - ki; “Uôn” đọc là: Ua - nờ - uô; “Qua” đọc là: Cờ - oa - qua…và các chữ “k”, “qu”, “c” đều đọc là “cờ”.
Cách đánh vần trên được cho là áp dụng theo sách "Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục" của GS Hồ Ngọc Đại được cho là đi từ âm đến chữ, tức là đi từ trừu tượng đến cụ thể và từ khái niệm khoa học, học sinh dần dần sẽ hiểu được cụ thể.
Không chỉ nhiều phụ huynh lo lắng vì sẽ khó dạy thêm con em ở nhà với cách phát âm được cho là “lạ” này mà ngay các giáo viên cũng gặp nhiều khó khăn khi trong quá trình học sư phạm không hề biết đến bộ sách Công nghệ giáo dục nhưng khi ra trường phải dạy theo bộ sách này.
Hieu sao cho dung cach danh van la?
 
Đối với các phụ huynh đây là kiểu đọc chữ phát âm hoàn toàn lạ lẫm nhưng chương trình Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại, đã có từ lâu và từng gây nhiều tranh cãi. Hội đồng thẩm định quốc gia của Bộ GD&ĐT đã thẩm định từ lâu và đã triển khai tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Như chính GS Hồ Ngọc Đại cho biết, cách đánh vần này được dạy theo bộ sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục, được xây dựng trên tinh thần giải pháp công nghệ giáo dục do ông khởi xướng. Cách đánh vần theo bộ sách này đến nay đã được triển khai ở 49 địa phương với hơn 800.000 học sinh theo học.
Như vậy, hiện nay, tại Việt Nam đang song hành hai cách phát âm, một là theo bộ sách hiện hành (cách đánh vần cũ) và hai và theo bộ sách Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại (cách đánh vần mới).
Tuy nhiên, dư luận lại cho rằng, có nên tồn tại hai cách phát âm này khi Tiếng Việt được cho là đã ổn định và việc thay đổi này làm khó không chỉ cho phụ huynh mà cho cả các giáo viên. Nếu không được đào tạo bài bản cách thức phát âm này, giáo viên khó có thể dạy đúng và học sinh cũng khó để có thể tiếp thu.
Dù như trả lời trên báo chí, thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Loan - Trung tâm Công nghệ Giáo dục - NXB Giáo dục Việt Nam, đơn vị biên soạn sách Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục lớp 1 cho biết, học sinh học theo sách công nghệ giáo dục sẽ nắm vững cấu trúc ngữ âm của tiếng, nắm vững luật chính tả theo nguyên tắc gặp ở đâu sẽ giải quyết ở đó. Nhờ đó, học sinh sẽ nắm luật rất kĩ và không bị viết sai chính tả. Ví dụ sẽ sẽ phân biệt khi nào viết c, k, q; khi nào viết l, n và do đó giáo viên khi dạy phải chuẩn phát âm mới dạy cho học sinh. Nguyên tắc đánh vần trong Công nghệ Giáo dục là theo âm, không phải theo chữ.
Hay ngay PGS.TS Bùi Hiền cho rằng, cách đọc chữ công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại có đôi phần giống với cách đọc chữ cải tiến mà ông đề xuất mới đây và ông đánh giá về hệ thống âm vị của GS Hồ Ngọc Đại là hoàn toàn chính xác, đặc biệt là âm vị của người Hà Nội. Nghĩa là âm 'a' đọc là 'a'; 'ư' thì đọc là 'ư'; 'ơ' đọc là 'ơ'; 'k' đọc là 'ca'... Tức âm thì vẫn giữ nguyên như thế và ghi cũng tương tự như vậy... Nhưng chương trình cũng không tránh khỏi những hạn chế như việc rèn luyện cho học sinh kỹ năng phân tích cấu trúc âm tiết và luyện phát âm đối với học sinh bản ngữ (tiếng Việt) không thật sự cần thiết và không phù hợp với phương pháp học bản ngữ.
Trên thực tế, sách “Công nghệ giáo dục” đã được thực nghiệm mấy chục năm, nhưng đến nay, vẫn chưa có kết luận cuối cùng về tính đúng/sai, hiệu quả của những cải cách trong chương trình nói chung và về phương pháp dạy tiếng Việt nói riêng. Dù đã được thực nghiệm mấy chục năm và thực tế đang triển khai tại nhiều tỉnh thành nhưng do khâu truyền thông ít ỏi nên phần lớn các phụ huynh chưa được biết đến chương trình cải cách, chưa hiểu các khái niệm, kiến thức sâu về ngữ âm học nên họ lo lắng bởi sẽ rất khó để kèm cặp, dạy thêm con em mình tại nhà với cách phát âm mới này. Mặc dù số ít phụ huynh khi am hiểu thì đánh giá cao và chọn cho con mình theo học vì những ưu điểm của chương trình.
Trước thực tế trên, dư luận cho rằng, ngành giáo dục, nhóm soạn thảo sách cần nghiên cứu, lấy ý kiến và công khai kết quả của đợt thực nghiệm; đánh giá nên hay không tiếp tục mở rộng sách “Công nghệ giáo dục” ra nhiều tỉnh thành. Cùng với đó, nghiên cứu giữa hai cách phát âm trên để tạo ra tính thống nhất đồng bộ và có phương pháp tuyên truyền đến các bậc phụ huynh để họ nắm chắc và kèm cặp, theo dõi con em mình học tập chứ không nên cho phép song hành 2 cách phát âm.
Thiên Nga