|
Ảnh minh họa. |
Mỗi khi đi nhanh qua cũng còn phải nín thở, vậy mà những người thu mua đồng nát còn mang cả gia đình tới sống ở đó. Họ lấy những thứ phế thải dựng lên những túp lều tạm bợ, cũng thấy có dây phơi nặng trĩu quần áo, có cái giá úp những bát đĩa, nồi niêu, cái bàn học gãy chân... thấy mấy ông bà già ngồi đập những lon nước ngọt, mấy đứa trẻ chạy đuổi nhau giữa đống đồ cũ... Đúng là hình ảnh một xóm nhỏ bình yên. Chỉ có điều nó lại nằm giữa một bãi đồng nát.
Tôi cứ nghĩ, bẩn thỉu và hôi hám như thế mà họ cũng sống được thì tài thật. Chắc ở lâu cũng thành quen, nên họ không thấy bất tiện, vẫn ăn uống, vẫn làm việc, vẫn sống, vẫn hít thở cái không khí ô nhiễm nặng như thế hàng ngày, hàng giờ. Chao, cũng là một kiếp người!
Quanh đi quẩn lại cũng chỉ vì mưu sinh mà người ta phải chấp nhận rất nhiều thứ, cả những thứ bất tiện, ảnh hưởng đến sức khoẻ, đến đời sống của mình như thế. Tại sao người ta lại bỏ quê để lên thành phố sống chui rúc trong những bãi rác như thế? Ở quê ít ra thì cũng còn một mảnh đất, dù cằn nhưng chắc vẫn còn trồng được cây rau, cây sắn, còn có căn nhà dù nhà tranh vách đất nhưng còn thoáng đãng, sạch sẽ gấp vạn lần mấy túp lều làm từ bìa và nhựa kia. Nhưng như bác đồng nát gần nhà tôi kể, khổ đấy, vất vả đấy nhưng mỗi tháng cũng còn được vài triệu, chứ ở quê kiếm đâu ra ngần đấy tiền. Nên người ta vẫn cứ lũ lượt theo nhau bỏ quê lên thành phố.
Và cứ sống trong những điều kiện như thế thì ốm đau, bệnh tật, ung thư... lại cái không thể tránh khỏi. Rồi những đồng tiền kiếm được vất vả, dành dụm khó khăn kia lại đổ vào chữa bệnh cả thôi. Một cái vòng luẩn quẩn!
Cái bãi tập kết đồ đồng nát này nằm trong một khu đất dự án bỏ không lâu ngày. Giờ họ đang xây nhà cao tầng, chắc chỉ một thời gian nữa nhà xây xong, nó sẽ bị giải toả thôi. Đường qua đây sẽ thoáng đãng sạch sẽ. Tôi chẳng biết buồn hay vui. Xoá được điểm ô nhiễm này, còn những con người sống ở đó sẽ đi đâu?
Minh Anh