Mới đây, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (VHGDTNTNNĐQH) đã đánh giá, kỳ thi THPT quốc gia với 2 mục tiêu là tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) (còn gọi là “2 trong 1”) vẫn chưa được khẳng định, đã ảnh hưởng tới chất lượng kỳ thi.
Vậy kỳ thi THPT quốc gia 2019 sẽ được hoàn thiện theo hướng nào để đạt độ tin cậy cao nhất? Các trường đại học có yên tâm dùng kết quả này để xét tuyển hay không là những điều thí sinh đặc biệt quan tâm?
Khi không còn "2 trong 1", đề thi sẽ thiết kế ra sao?
Theo Bộ GD & ĐT và một số bộ, ngành, kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức như hiện nay là phù hợp với điều kiện dạy và học, cũng như điều kiện kinh tế - xã hội các địa phương, đảm bảo gọn nhẹ, tạo thuận lợi cho thí sinh.
Vì thế, nên tiếp tục duy trì ổn định kỳ thi THPT quốc gia đến hết năm 2020, kèm theo nhiều điều chỉnh về kĩ thuật, hoàn thiện về mặt tổ chức để kỳ thi được tổ chức ngày càng nhẹ nhàng hơn.
Tuy nhiên, theo báo cáo kết quả khảo sát về kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 của Ủy ban VHGDTNTNNĐQH, kỳ thi THPT quốc gia đang đặt ra nhiều vấn đề, cần được tiếp tục nghiên cứu và chỉnh sửa.
Cụ thể: Việc gộp 2 kỳ thi (thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ) thành kỳ thi THPT quốc gia là một chủ trương lớn, cần tổng kết, luật hóa để có căn cứ pháp lý rõ ràng vì Luật Giáo dục hiện hành chỉ quy định về kỳ thi THPT để xét tốt nghiệp THPT.
Phương thức thi trắc nghiệm khách quan có nhiều ưu điểm nhưng khó đánh giá năng lực tư duy suy luận, khái quát và sáng tạo của học sinh, chứa đựng yếu tố may rủi nên cần nghiên cứu khi áp dụng với một số môn học, nhất là môn toán trong điều kiện việc biên soạn đề chưa đáp ứng chuẩn mực chung.
Chất lượng đề thi trắc nghiệm khách quan khó đảm bảo, khi ngân hàng câu hỏi đề thi chủ yếu dựa trên nguồn cung cấp hệ thống đề mẫu từ các địa phương, chưa đảm bảo cả về chất lượng và số lượng. Đối với môn thi tổ hợp, thực tế thi 3 môn trong một buổi, mỗi môn 50 phút và chỉ nghỉ 10 phút giữa 2 môn cũng cần phải nghiên cứu, vì điều này gây căng thẳng đối với thí sinh.
Việc xây dựng một đề thi cho 2 mục tiêu đồng thời, gồm xét tốt nghiệp THPT và sử dụng kết quả để xét tuyển sinh ĐH, CĐ là không dễ. Vì thế, dẫn tới cấu trúc đề thi năm 2018 được thiết kế với 60% kiến thức cơ bản và 40% kiến thức nâng cao, đã tạo áp lực đối với thí sinh chỉ có một mục tiêu xét thi xét tốt nghiệp THPT mà không có nguyện vọng xét tuyển ĐH, CĐ.
|
Thi trắc nghiệm cần được đánh giá, nghiên cứu trước khi áp dụng với nhiều môn học trong kỳ thi THPT quốc gia. |
Nhiều chuyên gia giáo dục cũng cho rằng, Bộ GD & ĐT đã lúng túng khi xây dựng đề thi để hướng tới xét tốt nghiệp, nhưng “ẩn ý” lại phục vụ việc xét tuyển ĐH, CĐ, nên đề thi bị “lệch chuẩn”, không phân hóa tốt vì một số môn thi có nhiều câu quá khó, khác hẳn tính chất của kỳ thi THPT quốc gia.
Ủy ban VHGDTNTNNĐQH đề nghị, Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu, hoàn thiện phương thức tổ chức kỳ thi THPT và công tác xét tuyển vào ĐH, CĐ; công bố lộ trình về đổi mới phương thức thi THPT để xã hội biết.
Bên cạnh đó, Bộ cần hoàn chỉnh phương thức thi trắc nghiệm, đảm bảo chất lượng đề thi. Ban hành quy trình xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa. Nghiên cứu hoàn thiện các bài thi tổ hợp, đảm bảo kiến thức tổng hợp và khoa học.
Bộ trưởng Bộ GD & ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng: “Tới đây, cách tiếp cận của kỳ thi (trong đó có cách ra đề thi) không phục vụ mục tiêu "2 trong 1", mà phục vụ đánh giá thực chất chất lượng dạy và học THPT. Thực hiện tốt được kì thi này, chất lượng giáo dục phổ thông sẽ tốt lên”.
Về vấn đề này, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lí chất lượng của Bộ GD & ĐT khi trao đổi với phóng viên đã lí giải thêm, tổ chức kỳ thi THPT quốc gia nhằm đo lường, đánh giá kết quả học tập “ở mức độ phổ thông” của học sinh trong 12 năm học tập. Đó là mục đích của kỳ thi THPT quốc gia.
Chính vì thế, trong thiết kế của đề thi THPT quốc gia 2019, phần lớn các câu hỏi nằm ở học vấn phổ thông (chiếm 60-70%). Các câu hỏi tăng dần độ khó để tốt hơn cho học sinh và các Sở GD&ĐT sẽ dùng kết quả này để xét tốt nghiệp cho các em.
Đối với các cơ sở giáo dục đại học, kết quả của kỳ thi vẫn là căn cứ, dữ liệu để tuyển sinh theo tinh thần tự chủ được quy định trong Luật Giáo dục đại học. Như vậy, mục tiêu của kỳ thi THPT quốc gia 2019 đã rõ.
Điều này đồng nghĩa với việc các trường ĐH, CĐ vẫn có thể sử dụng kết quả của kỳ thi để xét tuyển (gần đây, có dư luận cho rằng, kỳ thi THPT quốc gia chỉ còn mục đích xét tốt nghiệp – là không chuẩn xác).
Tuy nhiên, khi mục tiêu của kỳ thi “hướng tới phục vụ xét tốt nghiệp là chính” thì các trường đại học, đặc biệt các trường tốp trên có sử dụng kết quả này để xét tuyển hay không?
Đã sẵn sàng "tự chủ tuyển sinh", linh hoạt nhiều phương thức xét tuyển
Trường Đại học Kinh tế quốc dân là một trong những trường tốp trên, có “ngưỡng điểm sàn rất cao” – 18 điểm. Trao đổi với chúng tôi, Giáo sư Trần Thọ Đạt – Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho hay, thông điệp của Bộ trưởng Bộ GD & ĐT nhằm tạo cơ chế rộng rãi, thông thoáng hơn trong việc tuyển sinh của các trường.
Kỳ thi không còn mang nghĩa “2 trong 1”, nghĩa là không bắt buộc các trường đại học dùng kết quả thi THPT quốc gia làm căn cứ xét tuyển của mình. Về đề thi 2019, Giáo sư Đạt kỳ vọng vào một “đề thi chuẩn hóa”, phải tốt hơn đề thi 2018. Bộ phận ra đề thi cần rút kinh nghiệm và nghiên cứu kỹ phổ điểm, và nên có bộ phận thử nghiệm đề.
Theo phân tích của Giáo sư Đạt, nếu hiện nay, các trường đại học tự đứng ra tổ chức thi sẽ rất tốn kém. Ví dụ, 20 trường tốp trên cùng tổ chức thi, đây là phương án tối ưu hơn so với việc từng trường tự tổ chức thi, nhưng chắc chắn gây tốn kém xã hội vì các em sẽ không còn được thi tại địa phương.
Rồi khâu ra đề, khâu chuẩn bị cơ sở vật chất sẽ hao phí một khoản kinh phí lớn. Do đó, “cách tốt nhất là hoàn thiện kỳ thi THPT quốc gia trên tất cả các phương diện, đặc biệt khâu đề chuẩn hóa.
Một đề thi tốt là một đề thi có tính chất phân hóa, đạt độ khách quan công bằng. Khi đó, các trường đại học, cả tốp trên, tốp giữa và tốp dưới sẽ tin tưởng dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển” – Giáo sư Đạt bày tỏ và chia sẻ thêm:
Hiện các trường đại học theo xu hướng rất rõ ràng, không quá thiên về đầu vào, bởi chất lượng đầu vào là tiêu chí quan trọng nhưng đánh giá cần phải có quá trình, đánh giá qua một kỳ thi chưa đủ, mà phải qua nhiều kỳ thi và liên quan đến chuẩn đầu ra của từng trường.
Do đó, các trường đại học rất linh động trong xét tuyển, có thể sử dụng 1 phần kết quả kỳ thi THPT quốc gia, có thể sử dụng hoàn toàn kết quả đó hoặc không sử dụng, đều nằm trong khả năng “tự chủ tuyển sinh” mà Bộ GD & ĐT khuyến khích các trường.
|
Dư luận hy vọng một đề thi chuẩn hóa sẽ đảm bảo công bằng cho thí sinh khi tham gia xét tuyển. |
Thực tế, 90% số thí sinh trúng tuyển vào Trường Kinh tế quốc dân là do nhà trường xét tuyển từ kết quả thi THPT quốc gia của các em. Nhưng với chủ trương “đa dạng hóa phương án xét tuyển và tự chủ cao hơn so với trước đây”, Trường Đại học Kinh tế quốc dân xây dựng thêm một số phương án “xét tuyển kết hợp” để tuyển sinh các thí sinh khác.
Ví dụ xét kết quả ngoại ngữ (tiếng Anh) dựa vào các chứng chỉ quốc tế; những thí sinh từng tham dự cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” cũng được ưu tiên xét tuyển (hiện có 30 thí sinh tham dự kỳ thi Olympia được xét trúng tuyển vào trường).
“Từ nay đến năm 2020, Trường Đại học Kinh tế quốc dân vẫn sử dụng kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển. Trường vẫn sử dụng 9 tổ hợp để tuyển sinh, trong đó coi trọng môn cơ bản là Toán và Tiếng Anh.
Sau năm 2020, trường sẽ có đề án tuyển sinh tự chủ ở mức cao hơn. Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa, Đại học Kinh tế quốc dân chủ động mở nhiều chương trình đào tạo mới, đáp ứng nhu cầu xã hội với sự cải tiến cách thức thi, các môn thi và các tổ hợp.
Hiện nhà trường có hơn 50 chương trình đào tạo và sẽ mở thêm nhiều chương trình đào tạo mà Việt Nam chưa đào tạo như kinh doanh số, công nghệ tài chính…, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của thị trường lao động” – Giáo sư Trần Thọ Đạt cho hay.
Nói về kỳ thi THPT quốc gia phục vụ để xét tốt nghiệp, PGS.TS Nguyễn Văn Trào, Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội chia sẻ, ông hoàn toàn ủng hộ quan điểm này và “thực sự thấy cần thiết nếu kỳ thi hướng tới xét tốt nghiệp là chính”.
Giống như Đại học Kinh tế quốc dân trong xu hướng “tự chủ”, Trường Đại học Hà Nội mong muốn được tự chủ tuyển sinh bằng việc xây dựng hệ thống bài thi riêng, xét tuyển riêng, nhưng trường vẫn rất coi trọng điểm của kỳ thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp.
Theo đánh giá của PGS.TS Nguyễn Văn Trào, “cho đến nay, phần lớn các trường lấy thí sinh từ kết quả kỳ thi THPT quốc gia đều hài lòng về chất lượng, trong đó có Trường Đại học Hà Nội, vì chất lượng đầu vào các thí sinh rất tốt, thể hiện qua các bài khảo sát thường niên, khảo sát kiểm định và khảo sát riêng của trường”.
Trước câu hỏi “ngoại ngữ được coi là môn thi bắt buộc trong kì thi THPT quốc gia, nhưng đây là môn có phổ điểm thấp nhất so với mặt bằng chung, vậy điểm ngoại ngữ, đặc biệt là điểm Tiếng Anh thấp do đề thi hay do phương thức dạy học ngoại ngữ của các trường THPT chưa đạt chất lượng?”, PGS.TS Nguyễn Văn Trào cho hay, phổ điểm ngoại ngữ trong kì thi THPT quốc gia trong nhiều năm qua đều thấp, không làm xã hội thỏa mãn.
Về mặt đề thi, mục đích đã rất rõ ràng là để đánh giá xét tốt nghiệp cho học sinh, đề thi phải bao quát được toàn bộ kiến thức các em được học ở bậc phổ thông. Vậy, không thể nói đề thi có vấn đề. Đồng thời, đề thi là tập hợp chuyên môn từ các chuyên gia; các thầy cô trực tiếp giảng dạy ở bậc phổ thông, gọi chung là công trình trí tuệ tập thể nên càng không có lí do gì để nói đến đề thi trong chuyện này.
Đối với phương thức đào tạo ngoại ngữ, theo PGS.TS Nguyễn Văn Trào, “chất lượng tùy thuộc vào nhiều yếu tố; 63 tỉnh, thành phố mỗi nơi một điều kiện, trình độ khác nhau. Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái không thể so với Hà Nội, Đà Nẵng được. Cho nên các nhà làm chính sách cần có tầm nhìn dài hơi, có chính sách phù hợp hơn để hoạt động dạy tiếng Anh ở các vùng khó khăn được nâng cao, đạt chuẩn ngang bằng với các thành phố lớn”.
Theo Thu Phương/Cảnh sát toàn cầu