|
Quán ăn trên đường Hoàng Sa (TP.HCM) bày bàn ghế chiếm trọn lề đường và dùng lòng đường làm bãi giữ xe - Ảnh: Duyên Phan. |
Vào thập niên 1990, nhiều sinh viên ở ký túc xá Trần Hưng Đạo, Q.1, TP.HCM như tôi thường mua thực phẩm ở chợ Cầu Muối (đường Nguyễn Thái Học bây giờ), bởi lẽ vừa là chợ đầu mối vừa “lấy đường làm chợ” nên giá rất rẻ, mà sinh viên ai chẳng ham rẻ.
Lúc ấy thấy xe cảnh sát hay đi dẹp chợ, tôi nghĩ bụng “dẹp sao nổi”. Vậy mà bây giờ đã không tìm thấy dấu tích của một đường chợ ngày trước.
Tôi nhắc lại chuyện cũ để thấy rằng với một địa danh nổi tiếng (nhiều mặt) như chợ Cầu Muối, lại nằm ngay một quận trung tâm mà còn dọn sạch vỉa hè được thì những địa phương khác không có lý do gì biện hộ. Vấn đề là có làm đến nơi đến chốn hay không?
Tôi thường đến thăm người bà con ở P.Hiệp Phú, Q.9 nên hay nhìn thấy lực lượng chức năng cứ khoảng 16g hằng ngày là ra quân dọn dẹp lòng lề đường đến 23h, kiên quyết không bao che, làm ngơ.
Nhờ duy trì thường xuyên nên khu vực trước Nhà Thiếu nhi Q.9 trước đây hay có nhiều người bán hàng tụ tập nay đã trở nên thông thoáng và con đường trước Nhà Thiếu nhi trở thành con đường đẹp nhất quận.
Tôi nghĩ giải quyết triệt để nạn chiếm dụng lề đường thành nơi buôn bán không phải chuyện dễ dàng, nhưng chắc chắn làm được nếu có sự quyết tâm của các cấp chính quyền.
Cần giao trách nhiệm rõ ràng để lãnh đạo sở, ban ngành và cấp quận huyện, phường xã phải đảm đương, quán xuyến trên những tuyến đường, phường, xã cụ thể. Từ đó tiến hành đồng loạt nhiều biện pháp quyết liệt, thường xuyên.
Thời gian đầu tập trung tuyên truyền, nhắc nhở. Tiếp đó ra quân kiểm tra xử phạt, yêu cầu viết cam kết, những trường hợp tái phạm kiên quyết rút giấy phép kinh doanh nếu là cơ sở, cửa hàng, cửa hiệu..., tịch thu phương tiện hành nghề, hàng hóa đối với các điểm bán “dã chiến” trên vỉa hè. Nơi nào làm không đạt yêu cầu thì lãnh đạo phải chịu trách nhiệm trước.
Ngành chức năng cũng cần nghiên cứu, đề xuất bổ sung quy định về cấp giấy phép kinh doanh đối với các hộ ở mặt tiền đường, ràng buộc thêm điều kiện không được để hàng hóa, sản phẩm, phương tiện, bảng quảng cáo lấn chiếm không gian, mặt bằng chung, vi phạm nhiều lần sẽ bị rút giấy phép kinh doanh.
Quyết liệt là làm được
Nhiều bạn đọc đã than khổ với các quán chiếm vỉa hè, như lời bạn đọc Quốc Thể: “Gần nhà tôi có quán nhậu chiếm dụng vỉa hè, cứ đến lúc mình đi ngủ thì từng nhóm kéo vào ăn uống cười nói ỏm tỏi có khi tới 1g sáng, đâu ngủ nghê gì được. Nhậu xong, những người này còn tiểu bậy trước nhà nữa chứ”.
Mặc dù cũng có ý kiến cho rằng “có cầu mới có cung” vì có nhiều người thích ăn uống, mua hàng ở vỉa hè nên mới có cảnh hàng quán chiếm lòng lề đường, nhưng số đông vẫn cho rằng đây là vi phạm phải xử lý.
Một bạn đọc phân tích: “Vỉa hè phải trả về đúng chức năng của nó. Ở đây là vi phạm pháp luật, trật tự và có trách nhiệm buông lỏng quản lý của các cấp chính quyền. Không thể lý luận rằng người dân vẫn thích ăn ở vỉa hè, lòng đường mà cho phép tái diễn lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh”.
Đồng tình với ý kiến này, bạn đọc tên Sang khẳng định: “Làm là được. Đừng bàn tới bàn lui nữa. Hãy dọn sạch vỉa hè. Tôi vẫn mong rằng chủ trương dọn sạch vỉa hè sẽ được sớm thực hiện quyết liệt và mang lại kết quả tốt đẹp như việc đội mũ bảo hiểm và cấm đốt pháo”.
Theo Tuổi Trẻ