|
GS Bành Tiến Long. |
“Tôi đã từng làm tôi hiểu, việc đổi mới thi và tuyển sinh phải làm thường xuyên. Nếu không sự lo lắng sẽ tạo ra xáo trộn lớn vì đa phần các em đã quen với nề nếp thi cử, tách hay nhập kỳ thi cũng thế, quan trọng là đề thi làm sao để phân loại được thí sinh, giúp các em bớt lo lắng. Dù có vấp váp nhưng cứ phải dám hành động dựa trên cơ sở khoa học thì sẽ thành công. Làm sao để học sinh yên tâm học hành, không còn nơm nớp lo lắng chuyện thi cử, là việc người làm giáo dục phải làm được”, GS Bành Tiến Long chia sẻ.
Kỳ thi THPT quốc gia kết hợp với xét tuyển Đại học 2015 vừa kết thúc, những vấn đề mới nảy sinh đang được Bộ GD&ĐT xử lý bằng các giải pháp kỹ thuật. Theo GS Bành Tiến Long, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT muốn đổi mới toàn diện thì phải làm dần dần, không thể ngay lập tức có các giải pháp đúng hoàn chỉnh được. Nếu ông được làm thì ông cũng sẽ có lựa chọn một trong cách đổi mới như thế.
Mục tiêu đổi mới của kỳ thi này đã đạt được, đó là giảm được chi phí đáng kể cho phụ huynh và xã hội, giảm tốn kém, giảm đi lại của người dân. Chỉ có một số vấn đề phải rút kinh nghiệm như việc ra đề thi để phân loại học sinh đỗ tốt nghiệp THPT và tuyển sinh Đại học phải làm cho chính xác hơn. Mấy ngày đầu xét tuyển chưa thuận lợi cho thí sinh. Học sinh biết điểm thi trước khi nộp hồ sơ xét tuyển, nhưng vẫn không biết mình liệu có trúng tuyển hay không, những lộn xộn này đã được xử lý và cần phải rút kinh nghiệm cho những kỳ thi tiếp theo. Mấu chốt của kỳ thi là làm sao chọn được đúng thí sinh có năng lực vào đại học. Để tránh tình trạng trượt oan, đỗ oan.
Từng có nhiều năm làm lãnh đạo phụ trách công tác tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, GS Bành Tiến Long nhìn nhận, đổi mới nào ban đầu cũng phải có những vấp váp, nếu không làm thì sẽ không bao giờ đổi mới. Nếu còn làm, ông cũng vẫn sẽ đề xuất các phương án đổi mới khác nhau, thực hiện phương án nào là do tập thể lãnh đạo Bộ quyết định.
Ví dụ như sẽ giao cho các Sở GD&ĐT thực hiện việc thi tốt nghiệp thì thí sinh sẽ đỡ đi lại và nhẹ nhàng hơn, các trường ĐH, CĐ chủ trì việc thi tuyển sinh của mình, sẽ càng đỡ đi lại vất vả cho thí sinh và việc phân loại thí sinh sẽ tốt hơn, tính chủ động của các trường đại học sẽ cao hơn.
Hà Bình