Dịp tết để tôn vinh sự nhân văn đẹp đẽ, sao cái ác lại gia tăng?

Google News

(Kiến Thức) - Ngày tết là ngày đoàn tụ, sum vầy, tôn vinh sự nhân văn đẹp đẽ thì lại xảy ra rất nhiều vụ ẩu đả, đánh nhau dẫn đến chết người.
 
 

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 8 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ hợi 2019 (từ 2 – 10/2, tức từ 28 tháng chạp đến mồng 6 Tết), các bệnh viện đã cấp cứu hơn 5.303 ca tai nạn do đánh nhau, 58% trong số đó (3.095 ca) phải nhập viện điều trị/theo dõi và đã có 15 trường hợp tử vong. Con số trên khiến nhiều người choáng váng do có xu hướng ngày càng ra tăng trong các năm, cụ thể dịp tết Nguyên đán 2018 có 4200 người nhập viện do đánh nhau, trước đó Tết 2016 chỉ có 3.400 người đánh nhau phải nhập viện cấp cứu.
Có muôn vàn lý do dẫn đến các ca đánh nhau phải nhập viện, thậm chí chết người. Từ những vụ đánh nhau do băng nhóm xã hội thanh trừng nhau lấy số má, giết người để cướp tài sản đến những vụ việc bột phát như giết nhau vì hát karaoke quá to, giết nhau vì bị ép uống rượu, đáng báo động hơn, những vụ việc mâu thuẫn gia đình, những người thân ruột thịt cũng sẵn sàng đánh nhau, thậm chí gây án mạng, chồng đổ xăng đốt vợ, em vợ đâm anh rể…
Dip tet de ton vinh su nhan van dep de, sao cai ac lai gia tang?
Ảnh minh họa. 
Những con số thống kê cũng chỉ là bề nổi của tảng băng chìm còn trên thực tế khủng khiếp hơn nhiều khi cái ác vẫn còn ngự trị và dễ dàng bộc lộ ở bất cứ hoàn cảnh nào. Ví như trường hợp con trai chạy qua đường thiếu quan sát tự va vào một người phụ nữ đi xe máy, người cha sẵn sàng hùng hổ lao từ trên xe ô tô xuống giang tay tát thẳng mặt người phụ nữ ở Long An hay như vụ việc hai nhóm côn đồ ở Hải Dương chỉ vì va chạm giao thông mà đánh nhau, truy sát tới tận bệnh viện.
Cái ác gây sự rúng động dịp Tết khi một cô gái giao gà ở Điện Biên đã bị sát hại dã man, kẻ thủ ác cùng đồng phạm sau khi gây án còn thản nhiên đi chúc tết dù chúng vừa gây ra một tội ác tày trời, khiến một cô gái ngoan hiền phải rời xa cuộc sống, đẩy ngày đoàn tụ sum vầy dịp tết của một gia đình vào cảnh ly tán tang thương.
Những vụ đánh nhau, án mạng vẫn diễn ra thường nhật trong đời sống hàng ngày nhưng gia tăng trong dịp Tết khiến nhiều người phải sốc. Bởi người Việt Nam có truyền thống thiên về tình cảm, trọng tình nghĩa nhất là với gia đình, hàng xóm, bạn bè… dịp tết luôn là dịp để con người ta thể hiện tình cảm, cái đẹp đẽ nhất luôn được đề cao.
Dịp tết là dịp để gia đình sum vầy, để tôn vinh sự đẹp đẽ nhân văn vốn là bản tính của người Việt nhưng những vụ đánh nhau đã khiến bao gia đình lâm cảnh chia ly tử biệt hoặc ngày tết phải trong viện để chăm người thân đánh nhau, người mất mạng, kẻ thương tật lâu dài, tạo gánh nặng cho ngành y, gây tốn kém cho gia đình, xã hội, làm xấu đi hình ảnh người Việt trong mắt người nước ngoài.
Trong vô vàn những tác nhân dẫn đến những vụ xô xát đánh nhau, án mạng có một tác nhân dễ nhận biết đó chính là việc uống rượu bia. So với các nước trên thế giới, người dân Việt Nam sử dụng quá nhiều rượu, bia trong dịp tết.
Theo quan niệm của người Việt ngày xuân không thể chén rượu, cốc bia và được xem như là lễ nghi trong giao tiếp. Tuy nhiên, hiện nay việc uống rượu bia đã bị biến tướng. Ngày Tết thay vì nhấp môi chén rượu nồng chúc nhau sức khỏe thì người ta lại uống đến say xỉn đến mức không còn kiểm soát được bản thân. Rượu vào lời ra những mâu thuẫn bột phát từ bàn nhậu dẫn đến việc cãi nhau, xô xát, ẩu đả thậm chí giết người.
Thực tế, trong số 5300 người nhập viện do đánh nhau, các bác sĩ cho biết, rất nhiều người vẫn còn nồng nặc hơi men, thậm chí nhập viện trong tình trạng say khướt.
Tiếc rằng, việc quản lý sử dụng bia - rượu theo độ tuổi ở Việt Nam dù đã được quy định trong luật, nhưng thực tế gần như không được thực hiện một cách nghiêm túc. Trong khi đó, ở các nước trên thế giới, giá rượu bia thướng rất cao trong khi giá sữa rất rẻ thì Việt Nam lại ngược lại khiến người dân dễ dàng tiếp cận với rượu bia và sử dụng rượu bia một cái vô lối. Đây thực sự là mối lo ngại không nhỏ của ngành y tế và các vấn đề xã hội khác liên quan đến rượu, bia.
Tuy nhiên, rượu bia không phải là tác nhân duy nhất, nguyên nhân sâu xa dẫn đến những hành vi bạo lực vẫn do ý thức con người, sự thiếu hiểu biết pháp luật là chủ yếu. Con người không chịu rèn luyện tu dưỡng đạo đức, chịu tác động của môi trường sinh sống bạo lực, không biết ứng xử trước các tình huống phát sinh dẫn đến cái ác dễ dàng bộc lộ và gây ra những hậu quả đau lòng.
Khi con người chấp nhận sống chung với cái ác và coi đó là chuyện rất bình thường. Khi đạo đức, nhận thức, lối sống biến đổi theo chiều hướng tiêu cực, khi phần con trỗi dậy hơn phần người chính là lúc cái ác hiện hữu ở bất cứ thời điểm nào thể hiện sự xuống cấp của đạo đức, trong khi đó, việc giáo dục đạo đức, giáo dục pháp luật, giáo dục kỹ năng sống không được đề cao. Cùng với những tác nhân như sự thiếu thốn về tinh thần và vật chất, tiêu cực trong đời sống ngày càng gia tăng, vấn đề trong nhận thức của một bộ phận người ngày càng buông lỏng lối sống, mất niềm tin và phương hướng…dẫn tới khi xảy ra xung đột, dù là xung đột nhỏ nhưng hậu quả họ gây ra lại rất lớn.
Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã chỉ ra nhiều nguyên nhân, mổ xẻ giải thích về tâm sinh lý tội phạm cũng như đưa ra những giải pháp. Tuy nhiên, đến nay những vụ án vẫn diễn biến phức tạp, đó là minh chứng rõ nhất cho việc chưa tìm ra giải pháp để giải quyết tận gốc vấn đề. Thực tế, cái ác sẽ không còn chỗ đứng nếu con người sống nhân văn, biết cân bằng tâm lý và tha thứ, biết hài hòa trong sự ứng xử và hành động; biết bao dung và tương tác, biết sống chân chính và đàng hoàng. Nhưng muốn một con người hướng đến chân, thiện mỹ thì cốt yếu vẫn ở tam giác giáo dục: “Nhà trường, gia đình và xã hội”. Đáng buồn khi ngay cả trong nhà trường, gia đình đến xã hội vẫn còn là môi trường để cái ác tồn tại thì những vụ đánh nhau dẫn đến án mạng xảy ra thường xuyên không có gì là lạ!
Thiên Nga