Đề xuất “mất bằng lái xe phải thi lại”: Đẩy khó cho người dân

Google News

(Kiến Thức) - Luật sư Diệp Năng Bình cho rằng, đề xuất của Bộ trưởng Giao thông Vận tải về việc "mất bằng lái xe phải thi lại" là đang đẩy khó cho người dân. 

“Tất cả những ai mất bằng lái xe thì phải thi lại toàn bộ để tránh tình trạng viện đủ lý do để xin đổi bằng” - Đó là đề xuất được Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyên Văn Thể đang khiến dư luận phản ứng gay gắt.
Đừng đẩy khó cho người dân
Nêu ý kiến về đề xuất của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, Luật sư Diệp Năng Bình Trưởng VPLS Tinh Thông Luật nhận định, với tình trạng mất an toàn giao thông phức tạp như thời gian qua có phần nguyên nhân không nhỏ từ việc cấp bằng lái cho những người không đạt yêu cầu đã khiến người dân bức xúc, lo lắng, cần Bộ GTVT phải có giải pháp quyết liệt giải quyết vấn đề này. Thế nhưng, với đề xuất của mình, Bộ trưởng GTVT đang đẩy khó cho người dân.
Thực tế, các quy định về cấp mới, cấp lại các loại văn bằng, giấy tờ đều đã được pháp luật quy định rõ, đặc biệt với các trường hợp còn hồ sơ gốc mà cụ thể ở đây là Khoản 2 Điều 36 Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT ngày 15/04/2017 của Bộ GTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ theo đó người có nhu cầu cần phải chuẩn bị một bộ hồ sơ và thực hiện theo các bước như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ bao gồm: a) Đơn đề nghị cấp lại giấy phép lái xe theo mẫu quy định tại Phụ lục 19 ban hành kèm theo Thông tư này; b) Hồ sơ gốc phù hợp với giấy phép lái xe (nếu có); c) Giấy khám sức khỏe của người lái xe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp theo quy định, trừ trường hợp cấp lại giấy phép lái xe không thời hạn các hạng A1, A2, A3; d) Bản sao giấy chứng minh, nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn có ghi số giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân (đối với người Việt Nam) hoặc hộ chiếu còn thời hạn sử dụng (đối với người nước ngoài, người Việt Nam định, cư ở nước ngoài).
De xuat “mat bang lai xe phai thi lai”: Day kho cho nguoi dan
 Đề xuất “mất bằng lái xe phải thi lại” gây nhiều tranh cãi.
Khi đến thực hiện thủ tục cấp lại giấy phép lái xe tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải, người lái xe gửi 01 bộ hồ sơ, chụp ảnh trực tiếp và xuất trình, bản chính các hồ sơ nêu trên (trừ các bản chính đã gửi) để đối chiếu. Sau thời gian 02 tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ, chụp ảnh và nộp lệ phí theo quy định, nếu không phát hiện giấy phép lái xe đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý; có tên trong hồ sơ của cơ quan quản lý sát hạch, thì được cấp lại giấy phép lái xe.
Người có giấy phép lái xe bị mất, quá thời hạn sử dụng từ 3 tháng trở lên, có tên trong hồ sơ của cơ quan quản lý sát hạch, không thuộc trường hợp đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý, sau 2 tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, phải dự sát hạch lại các nội dung: a) Quá hạn sử dụng từ 03 tháng đến dưới 01 năm, phải dự sát hạch lại lý thuyết; b) Quá hạn sử dụng từ 01 năm trở lên, phải sát hạch lại cả lý thuyết và thực hành. Hồ sơ dự sát hạch lại thực hiện theo quy định, tại khoản 4 Điều 19 của Thông tư này.
Bước 2: Nộp hồ sơ và nộp lệ phí cấp lại giấy phép lái xe: Nộp hồ sơ xin cấp lại giấy phép lái xe bị mất tại bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải nơi cấp giấy phép lái xe. Người lái xe chụp ảnh trực tiếp và xuất trình bản chính các hồ sơ nêu trên để đối chiếu. Thông tư 188/2016/TT-BTC quy định cụ thể lệ phí cấp lại giấy phép lái xe bị mất như sau: Lệ phí cấp lại giấy phép lái xe: 135.000 đồng/lần. Phí sát hạch lái xe: Đối với thi sát hạch lái xe máy (hạng xe A1, A2, A3, A4): Sát hạch lý thuyết là 40.000 đồng/lần; Sát hạch thực hành là 50.000 đồng/lần. Đối với thi sát hạch lái xe ô tô (hạng xe B1, B2, C, D, E, F): Sát hạch lý thuyết là 90.000 đồng/lần; Sát hạch thực hành trong hình là 300.000 đồng/lần; Sát hạch thực hành trên đường giao thông công cộng: 60.000 đồng/lần.
Bước 3: Nhận giấy phép lái xe cấp lại: Theo thời hạn trên giấy hẹn, người làm thủ tục đến bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải để nhận Giấy phép lái xe được cấp lại. Khoản 6 Điều 36 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT quy định, thời gian cấp giấy phép lái xe chậm nhất không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kỳ sát hạch.
Như vậy theo qui định nói trên đã có lộ trình rõ ràng cho việc cấp lại Giấy phép lại xe, nếu mất giấy phép lái xe lần thứ nhất sẽ được cấp lại giấy phép lái xe (GPLX) tuy nhiên kể từ lần mất thứ hai nếu thời gian mất thuộc khoảng 2 năm kể từ ngày được cấp lại GPLX bị mất lần thứ nhất thì không được cấp lại mà phải thi sát hạch lý thuyết để cấp lại giấy phép xe. Đối với trường hợp mất GPLX lần thứ ba trở đi thì phải thi sát hạch lại cả lý thuyết lẫn thực hành để được cấp lại giấy phép lái xe.
Từ những quy định rất rỏ tại Thông tư này theo luật sư Bình, việc cấp bằng khống, cấp bằng cho những người không đủ điều kiện về lý thuyết và thực hành hoặc một số đối tượng lợi dụng việc mất giấy tờ… đó là trách nhiệm của những người làm trong các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền thuộc sự quản lý của Bộ GTVT.
De xuat “mat bang lai xe phai thi lai”: Day kho cho nguoi dan-Hinh-2
 Luật sư Diệp Năng Bình.
“Để việc cấp bằng lái xe được nghiêm túc, đúng luật thì Bộ GTVT với chức năng quản lý ngành phải chấn chỉnh cán bộ, công chức, nhân viên của mình chứ không phải đẻ ra các quy định gây phiền hà cho người dân. Từ việc một bộ phận nhỏ gian dối khi xin cấp lại giấy phép lái xe trong khi bản chính vẫn tồn tại để đối phó với lực lượng CSGT mà Bộ trưởng lại đề nghị mất giấy phép lái xe phải thi lại là trái quy định pháp luật, thể hiện tư duy cai trị, nghi ngờ, cảnh giác với người dân”, Luật sư Bình nêu ý kiến.
Luật sư Bình cho rằng, việc mất giấy tờ là chuyện bình thường trong cuộc sống khi xã hội vẫn tồn tại trộm cắp, cướp giật nhiều như hiện nay hoặc đơn giản chỉ là sự thất lạc không mong muốn. Việc kiểm tra giấy phép lái xe bị thu giữ trước đó với việc mất thật sự khi người dân xuất trình trong lúc kiểm tra giấy tờ để xử phạt vi phạm giao thông hay trong các việc giao dịch hành chính khác không quá khó trong thời đại 4.0 như hiện nay. Vấn đề là nâng cấp hệ thống quản lý hiện đại chứ không phải sử dụng các biện pháp vừa không phù hợp quy định pháp luật vừa duy ý chí, thể hiện tư duy cai trị trái ngược xu thế văn minh, hiện đại, cải cách mà một chính phủ hướng đến.
Đề xuất mang tính chủ quan, nóng vội
Luật sư Lê Hằng - Công ty Luật TAT Law firm cho rằng, đề xuất phương án mới của Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải “tất cả ai mất Giấy phép lái xe là phải thi lại” xuất phát từ việc nôn nóng hạn chế ngăn ngừa đối với những trường hợp bằng giả, vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên đề xuất này còn mang nhiều yếu tố chủ quan, nóng vội và cần phải xem xét về mặt thực tiễn và phù hợp với qui định pháp luật hiện hành.
“Giấy phép lái xe là một loại chứng chỉ giống như qui định ở nhiều ngành nghề khác, nếu như trường hợp nào khi bị mất giấy tờ và hồ sơ gốc vẫn còn được lưu giữ ở cơ quan có thẩm quyền, người dân không được cấp lại mà phải thi lại như bằng tốt nghiệp đại học hay giấy đăng ký kết hôn …thì rõ ràng là bất hợp lý, ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người dân, ngoài ra còn gây lãng phí nhiều đến thời gian, tiền bạc, hoạt động quản lý của nhà nước tạo tiền lệ xấu ở các ngành nghề khác “Mất giấy tờ là phải thi lại””, Luật sư Hằng cho biết.
Hải Ninh