Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa đưa ra dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục để lấy ý kiến góp ý.
Dự thảo Nghị định đưa ra nhiều chế tài nhằm ngăn chặn những tiêu cực xảy ra trong môi trường giáo dục.
Đặc biệt, có nhiều quy định liên quan đến chuẩn mực đạo đức nhà giáo. Tất cả các lỗi như chửi, xúc phạm, đánh học sinh đều được quy trực tiếp ra tiền phạt nếu vi phạm.
|
Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo Nghị định nh xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục để lấy ý kiến. (Ảnh minh họa, nguồn: Vietnamnet) |
Cụ thể, Điều 32 Dự thảo Nghị định quy định: Phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học. Phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với hành vi xâm phạm thân thể người học.
Bên cạnh đó, giáo viên còn buộc phải xin lỗi công khai học sinh hoặc bị đình chỉ giảng dạy từ 1-6 tháng.
Dự thảo nghị định sẽ được đưa ra lấy ý kiến đến hết ngày 25/11, sau đó sẽ được ban hành chính thức.
Dự thảo này đang nhận được ý kiến trái chiều từ giáo viên và các chuyên gia giáo dục.
Theo Cô Nguyễn Diệu Minh, giáo viên dạy tiểu học tại huyện Như Thanh, Thanh Hóa, bạo lực không phải là cách tốt để giáo dục trẻ em. Nếu thường xuyên dùng bạo lực với trẻ, các em cũng sẽ có xu hướng bạo lực với người khác.
“Giáo viên chúng tôi luôn cố gắng để không phải đánh học sinh. Nhưng nhiều khi chỉ cần 1 cái tét mông, các con sẽ ngoan hơn, học tốt hơn. Phương pháp dùng đòn roi thực tế mà nói có từ cấp 1 đến cấp 2, hầu như ở trường lớp nào ít nhiều cũng có. Dù không phải cách tốt, nhưng nhiều khi phụ huynh còn khuyến khích cô giáo đánh con. Nhưng cũng cần biết rằng đánh học sinh như thế nào, giơ cao đánh khẽ, để con biết sai, biết sợ chứ không phải đánh đau thật.
Nếu Bộ GD-ĐT đưa ra cách phạt tiền thì thực sự không phải là giải pháp tốt, mà chỉ làm tăng thêm áp lực cho giáo viên”, cô Minh cho biết.
“Sở dĩ giáo viên đánh học sinh nhiều khi cũng chỉ vì áp lực từ chính nhà trường, phụ huynh, mong cho các con ngoan hơn, học tốt hơn. Ví dụ, con tôi đang học mẫu giáo, vì cháu lười ăn, nên tôi nói với cô giáo rằng không cần ép cháu ăn quá nhiều trên lớp nếu cháu không muốn. Như vây, sẽ không có chuyện cô phải dọa, hay ép cho con ăn bằng được. Là giáo viên, chúng tôi cũng có con, và không muốn đánh học sinh của chính mình, nhưng giáo viên đang có rất nhiều áp lực. Quy định này nếu áp dụng sẽ vô cùng cứng nhắc và khó thuyết phục”, cô Minh bày tỏ.
Nữ giáo viên cho biết, để giải quyết những vấn đề về bạo lực học đường, cần thay đổi tư duy giáo dục, để tránh gây áp lực cho cả giáo viên và học sinh thay vì tìm cách đánh trực tiếp vào túi tiền để răn đe.
Trong khi đó, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam tỏ ra khó hiểu khi Bộ GD-ĐT đưa ra quy định phạt tiền các vấn đề liên quan đến đạo đức nhà giáo. “Có nhiều hình thức để giải quyết, nhưng không hiểu sao Bộ GD-ĐT lại nghĩ ra cách phạt tiền, có vẻ sưu cao thuế nặng. Tôi không hiểu sao lại nghĩ ra cách đối xử với nhà giáo bằng cách phạt tiền. Giáo viên không phải là người buôn bán, trốn thuế hay gian lận mà phải xử phạt bằng tiền”.
Trong dự thảo tờ trình, Bộ GD-ĐT cho rằng, một số hành vi trái pháp luật đã xảy ra trên thực tế, nhưng chưa có các quy định để xử phạt, một số quy định mới được ban hành để tăng cường quản lý hoạt động giáo dục chưa có chế tài. Vì vậy, cần bổ sung hành vi vi phạm để có cơ sở pháp lý xử phạt….
Tuy nhiên, GS Phạm Tất Dong cho rằng, những vụ việc giáo viên đánh học sinh chỉ là hãn hữu, cá biệt. Không thể vì các hiện tượng này mà đưa ra các quy định phạt tiền. Nếu ứng xử với các giáo viên không đúng, dễ gây ra mặc cảm với giáo viên. Những trường hợp vi phạm nghiêm trọng, có thể đuổi việc, cắt hợp đồng, thậm chí cho ra khỏi ngành, những trường hợp vi phạm lần đầu, không quá nghiêm trọng có thể phạt cảnh cáo, khiển trách…
Ngoài ra, GS Dong cho rằng, hầu hết các địa phương hiện nay đều đang gặp phải tình trạng quá tải lớp học, áp lực sĩ số đè nặng lên giáo viên, như vậy, nếu phạt tiền giáo viên có giải quyết được vấn đề? Ngược lại, nếu làm không tốt, sẽ dễ nảy sinh ra sự tâm lý ức chế, “mặc kệ” của giáo viên, từ đó ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng dạy và học trong nhà trường.
Thế nào là dạy thêm?
Cũng trong dự thảo Nghị định, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra các quy định về xử phạt đối với việc dạy thêm sai quy định.
Tuy nhiên, theo GS Phạm Tất Dong, quy định này khó áp dụng vào thực tế, bởi hiện nay chưa có bất cứ quy định cụ thể nào về việc thế nào được coi là dạy thêm, cấm dạy thêm trong những trường hợp nào?
“Nên hiểu thế nào là dạy thêm, không phải cứ dạy thêm là phạt, hiện nay ai cũng cần phải học, xã hội học tập, ai học thêm được điều gì hay điều ấy. Chỉ nên phạt trong những trường hợp trên lớp giáo viên không dạy hết kiến thức, nhưng hết giờ lại bắt học sinh học thêm để lấy tiền, nếu không học thêm thì không làm được các bài kiểm tra, hay kết quả học tập kém. Chỉ những việc làm này với đáng lên án. Trường hợp giáo viên dạy Toán, nhưng lại có khả năng tiếng Anh, nhạc họa tốt, dạy thêm những môn này ngoài giờ cũng là sai quy định? Như vậy cần làm rõ định nghĩa thế nào là dạy thêm, cấm dạy thêm trong những trường hợp nào?
Nếu muốn chặt chẽ hơn nữa, có thể quy định thầy giáo không nên dạy thêm cho học sinh lớp mình hay thầy giáo không được dạy thêm cho học sinh trong trường. Nếu cứ nói dạy thêm là phạt thì không thuyết phục. Bộ Giáo dục và Đào tạo nên trao đổi trực tiếp, lấy ý kiến giáo viên một cách cần trọng”, GS Dong nêu rõ./.
Theo Nguyễn Trang/VOV