Ông chủ Nhà Trắng cũng công bố kế hoạch chuyển đại sứ quán đến thành phố Jerusalem. Quyết định này của Tổng thống Trump nhận được những phản ứng trái chiều của các bên liên quan cũng như các nước đồng minh phương Tây.
Trước vấn đề này, bà Heather Hurlburt - chuyên gia Mỹ, cố vấn cấp cao tổ chức Mạng lưới An ninh quốc gia trụ sở tại Washington lý giải: Một phần bối cảnh quan trọng trong quyết định khi công nhận Jerusalem là thủ đô Israel là việc Tổng thống Trump - giống các Tổng thống Mỹ tiền nhiệm - phải ký một sắc lệnh trì hoãn cứ mỗi 6 tháng để giữ Đại sứ quán Mỹ ở Tel Aviv.
|
Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô Israel vấp phải nhiều phản ứng. Ảnh: REUTERS. |
Trên thực tế, theo CNN, Đạo luật Đại sứ quán ở Jerusalem đã được Quốc hội Mỹ thông qua vào năm 1995, yêu cầu đại sứ quán Mỹ phải di chuyển đến Jerusalem. Tuy nhiên, những người tiền nhiệm của ông Trump cứ 6 tháng một lần lại ra lệnh trì hoãn quyết định này, mặc dù họ từng hứa hẹn sẽ thực hiện điều đó trong chiến dịch tranh cử,
Điều này có nhiều có nhiều điểm giống với Thỏa thuận hạt nhân Iran (gia hạn 4 tháng/lần) khi Tổng thống Trump luôn tỏ ra miễn cưỡng đặt bút ký những văn bản ông không đồng ý. Không đơn thuần là quan điểm như những người tiền nhiệm, ông Trump đã nâng nó lên mức độ của một nguyên tắc đạo đức.
Quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô Israel của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã làm sáng tỏ một thực tế mà lâu nay các quan chức chính quyền Washington không nói thẳng. Đó là việc trong hơn hai thập kỷ qua, quan chức cấp cao của Mỹ luôn đi theo kịch bản "Mỹ là nhà hòa giải trung lập trong cuộc xung đột Israel - Palestine mặc dù các chính quyền Dân chủ lẫn Cộng hòa đều nghiêng về phía Israel.
Với quyết định trên, Tổng thống Trump đã thể hiện rõ lập trường của Mỹ khi quyết định nghiêng về phía Israel để đạt được tối đa lợi ích.
Trước quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Tổng thống Trump, phía Israel ca ngợi và hài lòng với điều này. Đặc biệt là Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu rất vui mừng với quyết định trên.
Ông Netanyahu là một trong những người ủng hộ ông Trump trong chiến dịch tranh cử. Các chuyên gia cũng đánh giá, quyết định trên cũng giúp Tổng thống Trump tạo vị thế và xây dựng hình ảnh là một nhà lãnh đạo cứng rắn ở Trung Đông.
Tuy nhiên, quyết định này vấp phải sự phản đối lớn từ Palestine và các đồng minh phương Tây. Cụ thể, phía Palestine cho rằng động thái trên của ông Trump đi ngược với thỏa thuận giữa Palestine với Israel.
"Việc này sẽ giúp các tổ chức cực đoan thực hiện chiến tranh tôn giáo có thể gây nguy hiểm cho cả khu vực đang trải qua những thời khắc quan trọng và đẩy chúng tôi vào những cuộc chiến không bao giờ kết thúc", Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cảnh báo.
Việc Tổng thống Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel được các chuyên gia dự đoán sẽ châm ngòi giận dữ trong cộng đồng Arab và Hồi giáo cũng như gặp phải những chỉ trích gay gắt từ cộng đồng quốc tế về nguy cơ dẫn tới xung đột.
Quyết định này không được sự ủng hộ của quan chức cấp cao các nước như: Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman bin Jassim Al Thani. Họ không ủng hộ vì cho rằng, bất kỳ thay đổi nào đối với hiện trạng tại đây cũng đồng nghĩa với việc kết thúc tiến trình hòa bình.
Có chung quan điểm trên, Giám đốc Zakaria Odeh của Liên đoàn Công dân về Quyền Palestine ở Jerusalem cho hay: "Đây là một bước đi rất nguy hiểm. Động thái này vô hiệu hóa những kế hoạch đàm phán trong tương lai về xung đột".
Một số chuyên gia cũng nhận định quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô Israel của Tổng thống Trump có thể đánh mất hy vọng về tương lai đàm phán hòa bình giữa Israel - Palestine.
Tâm Anh