Bị cảnh báo vẫn cố tình sai phạm?
Vào ngày 28/9/2022, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) đã ra thông báo cảnh báo người tiêu dùng nên thận trọng với quảng cáo của sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe OvaQ Plus trên một số website đã quảng cáo vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm: Quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.
Theo đó, Cục ATTP đã đưa ra đường link đến một số trang thương mại điện tử Shopee, 2 website là nhathuocthanhbinh.vn và chiaki.vn. Các đường link và website này đều có hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng (TPCN) OvaQ Plus gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.
|
Sản phẩm OvaQ Plus bị Cục ATTP cảnh báo hành vi quảng cáo sai sự thật |
Bên cạnh đó, Cục ATTP cho hay thực phẩm bảo vệ sức khỏe OvaQ Plus đã được cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 3309/2018/ĐKSP ngày 7/6/2018 cho Công ty CP Công nghệ hóa dược quốc tế Tây Âu (địa chỉ TT7 C2 Khu đô thị Văn Quán, Yên Phúc, phường Phúc La, Hà Đông, Hà Nội), tùy nhiên sản phẩm này chưa được cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo.
Thời điểm hiện tại, người tiêu dùng vẫn có thể bị đánh lừa bởi nội dung quảng cáo của TPCN OvaQ Plus, bởi trên nhiều website, đây vẫn được coi là một loại thuốc chữa hiếm muộn, chữa đa nang buồn trứng.
Cụ thể, tại website nhathuocthanhbinh.vn, sản phẩm OvaQ Plus được quảng cáo là “Thuốc bổ trứng OvaQ Plus” và “được các chuyên gia hiếm muộn tại nhiều bệnh viện lớn trên cả nước khuyên dùng.”
Đối tượng sử dụng mà sản phẩm này đề cập đến gồm cả: “Phụ nữ mắc bệnh đa nang buồng trứng, kinh nguyệt không đều, chu kì rụng trứng không đều, rong kinh, vô kinh đang mong con; Phụ nữ đang điều trị vô sinh, hiếm muộn hoặc trong quá trình can thiệp các biện pháp sinh sản như kích trứng, IUI, IVF.”
Đồng thời, bài viết quảng cáo cho sản phẩm OvaQ Plus cũng không ngần ngại sử dụng từ chuyên môn là “thuốc” để đề cập đến TPCN này, và khẳng định: OvaQ Plus được nghiên cứu với công thức hiệu quả gấp 3 lần OvaQ1, ngoài các thành phần là vitamin, khoáng chất cần thiết cho quá trình mang thai và thụ thai tốt nhất, thuốc OvaQ Plus còn chứa các thành phần nổi bật là Myo- Inositol, D- chiro- Inositol, Acid Folic và N-Acetyl L - Cystein cùng Vitamin E, đây là những hoạt chất rất cần thiết cho phụ nữ đa nang buồng trứng, rối loạn kinh nguyệt, rối loạn hormon...
Không chỉ có tác dụng chữa bệnh lý đa nang buồng trứng, sản phẩm này còn được quảng cáo giúp là phòng ngừa tiểu đường thai kì ở bà bầu, ngăn ngừa dị tật ống thần kinh ở thai nhi.
|
OvaQ Plus được quảng cáo với nhiều công dụng như thuốc chữa bệnh |
Không chỉ riêng website nhathuocthanhbinh.vn được Cục ATTP chỉ đích danh, mà nhiều website thương mại điện tử khác cũng có những quảng cáo tương tự về công năng của sản phẩm OVaQ Plus. Các website này có thể kể đến như: thuocuytin.com.vn, nhathuocsuckhoe.com, thegioithuoc.net, nhathuoc24h.vn…
Bằng những lời quảng cáo “có cánh”, đánh vào nỗi đau không có con của những gia đình hiếm muộn, Công ty CP Công nghệ hóa dược quốc tế Tây Âu dễ dàng thổi phồng công dụng thực sự của OvaQ Plus, vốn chỉ là một loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe trở thành một phương thuốc chữa hiếm muộn.
Trước những vi phạm trên, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng không căn cứ vào các nội dung quảng cáo sai sự thật để quyết định mua và sử dụng sản phẩm nêu trên vì có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và thiệt hại kinh tế.
TPCN hóa thuốc chữa bệnh, hiểm họa khó lường
Theo các chuyên gia, mục đích của việc quảng cáo một sản phẩm TPCN có tác dụng như thuốc chữa bệnh chỉ nhằm mục đích duy nhất là đẩy mạnh doanh số bán ra, tăng lợi nhuận. Người tiêu dùng biết rõ thuốc có tác dụng điều trị, còn TPCN chỉ có tác dụng hỗ trợ nhưng khi có bệnh lại không đủ tỉnh táo để phân biệt. Quan niệm “có bệnh thì vái tứ phương” cũng là một nguyên nhân khiến người tiêu dùng đổ tiền vào các sản phẩm này mà không tìm hiểu kỹ càng.
Nghị định số 15/2018/NĐ-CP Luật An toàn thực phẩm quy định thực phẩm bảo vệ sức khỏe (Health Supplement, Dietary Supplement) là những sản phẩm được dùng để bổ sung thêm vào chế độ ăn uống hàng ngày nhằm duy trì, tăng cường, cải thiện các chức năng của cơ thể con người, giảm nguy cơ mắc bệnh.
|
Là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, OvaQ Plus vốn không có tác dụng điều trị bệnh lý hay chữa hiếm muộn |
Như vậy, các sản phẩm TPCN không có khả năng chữa bệnh hay tiêu giảm căn nguyên của bệnh, cũng không thể điều trị bất cứ căn bệnh nào. Vì thế, tất cả những quảng cáo về công dụng thần kỳ, gây hiểu lầm là thuốc chữa bệnh đều là những quảng cáo “nổ” vi phạm quy định, người tiêu dùng cần cảnh giác.
Đặc điểm chung của hầu hết các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe quảng cáo như thuốc chữa bệnh thường là trên mạng xã hội, sử dụng hình ảnh thư tín bệnh nhân (được dựng sẵn), hình ảnh cơ sở y tế, danh nghĩa cơ quan y tế, hình ảnh bác sĩ, người nổi tiếng… Các sản phẩm này được cam kết có công dụng chữa bệnh nọ bệnh kia, thực tế là hoàn toàn sai sự thật, người tiêu dùng tuyệt đối không mua.
Các sản phẩm được quảng cáo tràn lan và “thổi phồng” như thuốc chữa bệnh hiện nay như: sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư, tai biến mạch máu não, bệnh thận, gan..., thậm chí có thuốc quảng cáo phải dùng vài tháng mới thấy tác dụng, chính thời gian này đã cướp mất cơ hội được chữa bệnh kịp thời của không ít bệnh nhân, có thể để lại hậu quả khó lường.
Chính vì lẽ đó, vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng được cho là hành vi vi phạm pháp luật, trái với quy tắc xử sự chung theo quy định của luật quảng cáo hoặc căc văn bản pháp luật khác có liên quan, gây ảnh hưởng đến xã hội, hay một đối tượng cụ thể ví đụ như là người tiêu dùng. Để tránh rơi vào tình trạng tiền mất tật mang, người tiêu dùng cần tỉnh táo hơn trong việc lựa chọn sản phẩm liên quan đến vấn đề sức khỏe, bệnh lý.
Cục ATTP khuyến cáo, người dân không mua, sử dụng các sản phẩm quảng cáo sai sự thật. Người tiêu dùng nên thường xuyên cập nhật các thông tin khuyến cáo từ cơ quan chức năng.
Liên quan đến sản phẩm OvaQ Plus, Cục ATTP đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, xử lý theo quy định hiện hành. Khi có kết quả xử lý, Cục An toàn thực phẩm sẽ công khai trên website của Cục và cổng công khai y tế.
Công ty CP Công nghệ hóa dược quốc tế Tây Âu có thể bị xử phạt bao nhiêu?
Nghị định số 38/2021/NĐ-CP và Nghị định số 129/2021/NĐ-CP quy định:
1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định.
2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với tổ chức vi phạm một trong các hành vi sau đây: Thông tin, quảng cáo, tiếp thị, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng thực phẩm, mỹ phẩm và các sản phẩm khác không phải là thuốc có tác dụng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán, điều trị, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người khiến người tiêu dùng hiểu nhầm các sản phẩm đó là thuốc, trừ trang thiết bị y tế.
Bên cạnh đó, cá nhân, tổ chức vi phạm còn có thể phải chịu các hình thức xử phạt bổ sung như đình chỉ hoạt động, tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực y tế... và thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả.
Minh Châu