“Trời ơi sao cô giáo lại dạy các em đánh bạn? Sao bây giờ giáo dục lại đi xuống trầm trọng đến như vậy?'' - Nhiều phụ huynh đã phải thốt lên như vậy khi chứng kiến clip do phụ huynh Hà Thắm đăng tải trên mạng mới đây ghi nhận lại cảnh hai cô giáo Trường Mầm non Rainbow (TP.Ninh Bình), một trường được quảng cáo là áp dụng nhiều phương pháp giáo dục hiện đại, tiên tiến trên thế giới xúi giục các bạn trong lớp đánh hội đồng con trai chị.
Theo nội dung clip cháu bé trước khi bị đánh hội đồng (áo trắng) đã cắn vào vai một bé trai khác (áo cam). Sau đó, bé trai áo cam kêu khóc và bảo với cô giáo. Tuy nhiên, thay vì đứng ra giảng hòa hay chỉ ra lỗi sai cho các cháu nhỏ, một cô giáo lại bảo bé trai vừa cắn bạn đứng ra giữa lớp, còn các bạn còn lại xúm vào đánh liên tiếp vào bé trai này tạo nên những hình ảnh phản cảm mang tính bạo lực học đường.
Ngay khi clip trên được đăng tải trên mạng xã hội đã thu hút sự quan tâm bình luận của hàng nghìn phụ huynh. Ai nấy đều bức xúc trước hình ảnh những giáo viên mầm non đẩy một cháu bé mới 4 tuổi cho các bạn cùng lớp đánh mà dù chứng kiến cũng không có biện pháp ngăn chặn.
Trước sự bức xúc của các bậc phụ huynh, Trưởng phòng GD&ĐT TP Ninh Bình – Bùi Quang Vinh cho biết đã yêu cầu Trường Mầm non làm rõ vụ việc một học sinh xô xát với các bạn trong giờ học được camera ghi lại, sau đó phụ huynh đưa lên mạng xã hội. Trường Mầm non tư thục Rainbow đã ngay lập tức tạm đình chỉ công tác của 3 giáo viên lớp 4/3 là cô Hoàng Thị Quỳnh, Đinh Thị Hải Vân, Bùi Thu Thủy. Đồng thời yêu cầu các giáo viên này viết bản kiểm điểm.
Đây không phải là lần đầu tiên, phụ huynh phải bức xúc trước việc hành xử của các cô giáo mầm non. Trước đó, không ít vụ việc bạo hành xảy ra tại các trường mầm non, đặc biệt các trường mầm non tư thục vẫn là nỗi sợ hãi hằn trong tâm trí các bậc phụ huynh như việc các cô bảo mẫu đè trẻ ra đổ thức ăn, xách đầu, nhét dẻ vào mồm xảy ra tại nhóm trẻ Mẹ Mười (địa chỉ tại số 251/32 Thái Thị Bôi, phường Chính Gián, quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng). Trước đó nữa vào cuối năm 2017, hình ảnh bảo mẫu dùng khăn vải đánh, cầm bình nhựa đập mạnh lên đầu, vụt dép, tát tới tấp, thậm chí dùng dao để bạo hành những đứa trẻ ngây thơ tại trường mầm non tư thục Mầm Xanh (TP HCM) cũng khiến dư luận bức xúc, các phụ huynh đứng ngồi không yên...
Trả lời chất vấn trước Quốc hội vào tháng 6/2018, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã thẳng thắn thừa nhận, bạo hành ở trường mầm non là một trong các vấn đề gây bức xúc xã hội, dư luận thời gian qua.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, hiện toàn ngành có 15.000 cơ sở giáo dục mầm non, 337.000 giáo viên. Về cơ bản các cô yêu nghề, yêu trẻ nhưng vẫn còn tình trạng bạo hành trẻ ở một số cơ sở mầm non, chủ yếu ở các cơ sở mầm non ngoài công lập.
"Những vụ bạo hành trẻ mà báo chí đã nêu là không thể chấp nhận được. Cá nhân tôi với trách nhiệm người đứng đầu ngành giáo dục rất phản đối, có ý kiến chỉ đạo kiên quyết. Với những giáo viên không đủ năng lực thì phải đưa ra khỏi ngành, không chần chừ. Các cơ sở để xảy ra tình trạng này phải bị đình chỉ, đóng cửa".
Tư lệnh ngành GD&ĐT cũng cho rằng nguyên nhân của những sự cố này có gắn với chất lượng nguồn giáo viên, đầu vào giáo viên chưa được siết chặt và Bộ đang đưa ra những chuẩn đầu vào tuyển sinh đối với các trường Sư phạm để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Đồng thời, triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo viên mầm non, xây dựng đội ngũ giáo viên mầm non chuyên nghiệp, đi kèm với nâng cao cơ chế đãi ngộ để các cô yên tâm gắn bó với nghề…
Tuy nhiên đến thời điểm này, những giải pháp mà Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đưa ra rõ ràng chưa phát huy hiệu quả khi bạo hành ở trường mầm non biến tướng theo kiểu cô giáo không đánh học sinh mà xúi cho học sinh đánh bạn như vừa xảy ra Trường Mầm non Rainbow (TP Ninh Bình) khiến dư luận tiếp tục đặt ra những câu hỏi: ““Tại sao bạo lực học đường, bạo hành trẻ em tại trường mầm non vẫn tái diễn với sự biến tướng tinh ranh hơn trước?”.
Trên thực tế khi những vụ bạo hành trẻ em xảy ra dù dưới dạng này hay dạng khác ở nhiều cơ sở giáo dục mầm non thì rõ ràng trách nhiệm không chỉ thuộc về nhà trường mà còn là trách nhiệm của các cơ quan ban ngành, địa phương và trách nhiệm chính thuộc về ngành giáo dục. Bởi vì, hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ em từ khi được cấp phép luôn có sự giám sát chặt chẽ và ràng buộc bằng các quy định nghiêm ngặt với nhiều cơ quan quản lý giám sát như UBND phường, xã, phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT, hội phụ huynh, các tổ chức đoàn thể…Thế nhưng vai trò của họ ở đâu khi liên tiếp xảy ra những vụ trẻ mầm non bị bạo hành.
Đến lúc, ngành giáo dục cần hành động quyết liệt hơn nữa xem lại cách giảng dạy, trông trẻ của giáo viên mầm non trên cả nước và xử lý nghiêm những trường hợp xảy ra bạo hành như lời Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã nói: “Các cơ sở để xảy ra tình trạng này phải bị đình chỉ, đóng cửa" để lấy lại niềm tin từ chính những bậc phụ huynh và dư luận cả nước. Để những đứa trẻ thơ ngây không phải chịu những ám ảnh, không phải học theo thói hư tật xấu từ chính những người các em “coi như mẹ hiền”.
Chứ không phải nói rồi để đấy khiến ngay cả các cử tri và nhân dân phải gửi tới Kỳ họp thứ 5 Quốc hội XIV những bức xúc bởi: “Chất lượng dạy và học ở một số cơ sở giáo dục, trường học còn hạn chế, chạy theo thành tích; việc quản lý đào tạo sau đại học, cấp và quản lý bằng, chứng chỉ còn lỏng lẻo; một số địa phương lo lắng về thái độ, hành vi ứng xử của một số học sinh, giáo viên và phụ huynh đã làm xấu hình ảnh người thầy và truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc”. Không thể để tình trạng bạo hành học sinh vẫn xảy ra gây bức xúc dư luận xã hội.
Thiên Nga