Hiện dư luận thế giới hết sức quan tâm đến tình hình chính trị ở Đức khi Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer thông báo xin từ chức vị trí Bộ trưởng Nội vụ và vị trí Chủ tịch đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU). Thông tin này được đưa ra sau một cuộc họp kín với các thành viên trong ban lãnh đạo đảng vào ngày 1/7 vừa qua.
Quyết định trên được Bộ trưởng Seehofer đưa ra sau nhiều tuần nỗ lực bất thành trong việc thuyết phục Thủ tướng Đức Angela Merkel thay đổi quyết định về chính sách nhập cư.
|
Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer đề nghị rút khỏi cả hai vị trí bộ trưởng và lãnh đạo đảng CSU. Ảnh: Reuters. |
Trước đó, Thủ tướng Merkel thông báo rằng, sau khi Liên minh châu Âu đạt được thoả thuận về tị nạn tại Hội nghị Thượng đỉnh EU, Đức cũng đã ký được thoả thuận song phương với 14 nước nhằm kiểm soát dòng tị nạn thứ cấp.
Động thái trên của Thủ tướng Merkel trái ngược với quan điểm của Bộ trưởng Nội vụ Seehofer. Nguyên do là vì ông Seehofer trước đó yêu cầu Thủ tướng Merkel cứng rắn hơn trong chính sách đối với người tị nạn.
Động thái xin từ chức của Bộ trưởng Nội vụ Seehofer khiến liên minh CDU-CSU cầm quyền đứng trước nguy cơ đổ vỡ. Đồng thời, tương lai của Thủ tướng Merkel cũng trở nên khó dự đoán hơn. Nguyên do là vì đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo của Thủ tướng Merkel đang phải dựa vào đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo để duy trì quyền lực.
Bất đồng trong vấn đề tị nạn giữa Bộ trưởng Nội vụ Seehofer và Thủ tướng Merkel gây chia rẽ sâu sắc nền chính trị Đức. Vấn đề này không phải mới mà nó đã xảy ra ở nước Đức trong nhiều năm qua.
Do ông Seehofer chưa chính thức nộp đơn xin từ chức nên nhiều thành viên trong ban lãnh đạo đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo đang cố gắng thuyết phục để chính trị gia này thay đổi quyết định.
Mời quý độc giả xem video: Bà Angela Merkel và nhiệm kỳ Thủ tướng thứ 4 (nguồn: VTC1)
Trong trường hợp không thể đạt được thỏa thuận với bà Merkel thì Bộ trưởng Nội vụ Seehofer sẽ từ chức. Một số chuyên gia nhận định, quyết định từ chức của Bộ trưởng Nội vụ Seehofer sẽ không có tác động gì đến việc giải quyết vấn đề nhập cư tại Đức.
Nếu tình huống này xảy ra thì giới chức Đức sẽ phải đưa ra quyết định đề cử một người mới đảm nhận vị trí Bộ trưởng nội vụ và củng cố liên minh với CDU hay sẽ "đường ai nấy đi" với Thủ tướng Merkel.
Nếu liên minh với CDU đổ vỡ, Thủ tướng Merkel sẽ mất nhiều ghế trong phe đa số tại quốc hội Đức nhưng vẫn giữ chức Thủ tướng cho đến khi một ứng viên đối lập có thể nắm được đa số ghế trong quốc hội. Theo các chuyên gia, tình huống này rất khó có khả năng xảy ra.
Ngoài ra, Thủ tướng Merkel có thể phải đối mặt với thách thức khác là phải tìm cách thành lập liên minh mới với đảng Xanh hoặc đảng Dân chủ Tự do. Trong bối cảnh các đảng đối lập chia rẽ sâu sắc, bà Merkel cũng có thể kêu gọi một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại quốc hội và tiến hành một cuộc bầu cử mới.
Tâm Anh (TH)