Ý nghĩa sâu xa của câu khẩu hiệu, ai ai cũng biết bởi nó thể hiện rõ bản chất của Nhà nước ta, một nhà nước do dân vì dân và dĩ nhiên là của dân. Nhưng trước những diễn biến của vụ
chặt cây xanh ở Hà Nội, ngẫm lại bỗng thấy, trong trường hợp này, dường như nó chỉ là câu khẩu hiệu suông. Những thông tin đã phát lộ chứng minh cho điều vừa nói là có cơ sở. Một đề án - thực ra là dự án vì nó đã được thực thi rồi - ảnh hưởng lớn đến cộng đồng xã hội như thế mà người dân không hề hay biết chứ chưa nói là được bàn, được kiểm tra.
Thì ông Trần Đình Long, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy chẳng đã bảo: “Chặt cây không cần hỏi ý kiến dân!” là gì. Nghe ông lãnh đạo ngành tuyên giáo nói vậy, người dân không khỏi xót xa. Dân là gì trong con mắt các vị?
Khi nỗi bức xúc của dư luận đã lên đến đỉnh điểm rồi, thế mà ông Nguyễn Thịnh Thành, Chánh Văn phòng UBND thành phố vẫn khăng khăng: “Hầu hết nhân dân đồng thuận, ủng hộ” việc chặt cây. Còn ông Nguyễn Quốc Hùng – Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội thì một mực khẳng định, chặt cây là đúng chủ trương, đúng quy trình, đúng pháp luật!
Thưa các ông, bảo là dân đồng thuận sao dư luận lại bất bình đến thế? Bảo là đúng quy trình sao từ người dân cho đến các nhà khoa học, các luật sư đều phản đối? Những ngày qua, giữa ngày xuân mà Hà Nội như có bão, “bão” trên đường phố cây cối tơi tả và “bão” trong lòng người sục sôi nỗi bất bình. Một tờ báo thăm dò ý kiến cộng đồng cho hay, kết quả 70% số độc giả được hỏi phản đối việc chặt cây, 25% đề nghị rà soát lại, số đồng ý chỉ có 5%. Đấy, ông Chánh Văn phòng dựa vào đâu mà dám khẳng định là dân đã đồng thuận? Dư luận thành ra nghi ngờ “dân” mà ông nói ở đây là ai?
Một hành động khác chứng tỏ cái sự phớt lờ dân của chủ trương lớn này. Trước sức ép của dư luận, Công ty TNHH Một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội đã cấp tập treo biển. Sau một đêm, người Hà Nội thức dậy bước ra ngõ đã thấy một loạt biển đóng trên các thân cây gọi là “tiếp thu ý kiến phản hồi” của dân. Người ta bảo vụng chèo khéo chống, nhưng trong trường hợp này, “chèo” đã dở, “chống” lại còn dở hơn vì nó chẳng khác gì… trò diễn!
Nhìn cái đề án với những con số hấp dẫn: 6.708 cây được thay thế với đơn giá 10 triệu đồng/cây, tổng dự toán hơn 73 tỷ đồng. Trong đó, chi phí khảo sát hết 1 tỉ đồng, chặt hạ, thay thế cây mới, hoàn trả vỉa hè hết hơn 67 tỷ đồng, đánh mã số cây hết 4,5 tỷ đồng. Nhưng hấp dẫn hơn cả là số gỗ thu được từ 6.708 cây bị chặt ấy. Người ta ước tính ít nhất có 6 ngàn khối gỗ tròn. Đó quả là một món lợi kếch xù trong lúc gỗ trên rừng đã cạn kiệt.
Vào “gúc gồ” tìm kiếm, thấy bảng giá gỗ năm 2013 của UBND tỉnh Lâm Đồng ghi nhóm cuối cùng (nhóm7 nhóm 8) loại thấp nhất có giá 2.470.000 đồng/m3. Còn theo điều tra mới nhất của phóng viên báo Tiền phong, chủ một xưởng gỗ tại làng Chuông (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai), một trong những nơi tập kết gỗ sau khi cây bị chặt hạ cho biết, xà cừ thường được mua với giá khoảng 6 đến 7 triệu đồng/m3, tùy chất lượng từng cây. Đến đây thì bạn đọc có thể hình dung số tiền thu được từ 6.708 cây xanh bị chặt hạ là bao nhiêu và hiểu tại sao người ta lại nhanh chóng thực hiện đề án, cấp tập ngày đêm đốn cây đến vậy. Dư luận vẫn đang sốt ruột chờ chính quyền thành phố trả lời câu hỏi: Cây xanh đã được chặt hạ thì đưa về đâu, nếu đã bán đấu giá thì thu được bao nhiêu tiền?
Trong cuộc họp báo chiều 20/3, lí giải cho việc chặt cây rầm rộ, ông Nguyễn Quốc Hùng bảo do các nhà tài trợ nôn nóng. Lập tức, các nhà tài trợ ngay sau đó đã lên tiếng phản bác: “Chúng tôi không góp tiền để chặt cây”. Vậy “nhà tài trợ nôn nóng” mà ông Phó Chủ tịch nói đến là nhà tài trợ nào, liệu có liên quan gì đến 6.000 mét khối gỗ thu hồi được không? Bởi vì như ông Giám đốc Sở Xây dựng đã khẳng định, theo đề án chỉ được phép chặt những cây sâu mục, già cỗi, cong nghiêng đã được khảo sát. Vậy mà người ta lại đốn hạ cả những cây khỏe mạnh, lành lặn, thẳng tắp. Chặt nhầm hay là một hình thức khai thác gỗ trá hình?
Rồi dư luận lại thêm một lần sốc nữa khi báo chí cho biết, số cây đã trồng trên phố Nguyễn Chí Thanh được cho là vàng tâm thì các nhà lâm nghiệp lại khẳng định đó chính là cây gỗ mỡ. Đây là loài cây không thích hợp để tạo bóng mát cảnh quan đô thị lại hay bị sâu bệnh mà một số tỉnh miền núi phía Bắc đã tẩy chay, bây giờ Hà Nội lại giang tay đón nhận. Đến nước này thì dư luận không thể hiểu nổi, chủ đề án thay cây đang “chơi trò” gì nữa. Liệu việc trồng hàng loạt cây gỗ mỡ có giá trị thua xa cây vàng tâm lại là một sự “nhầm” nữa chăng?
Trước sức ép của dư luận từ những việc làm, lời nói không minh bạch xung quanh vụ chặt hạ cây xanh, ngày 22/3, UBND TP Hà Nội có công văn hỏa tốc số 1890/UBND-TH về việc “kiểm điểm trách nhiệm, thanh tra toàn diện việc thay thế cây xanh trên một số tuyến phố” đối với những cán bộ liên đới. Nhìn ở góc độ khác, công văn này là một sự nhận lỗi trước công luận. Việc tổ chức thực hiện đề án đã không “đúng quy trình, đúng pháp luật” như một vài vị lãnh đạo đã khẳng định.
Cái kết này dư luận dường như đã biết trước. Giá như thành phố có sự chỉ đạo ngay khi đề án đang trong giai đoạn thẩm định thì chắc chắn sẽ không dẫn đến kết cục đau lòng này. Hàng ngàn cây sẽ không bị chết oan. Nhiều cán bộ sẽ không bị xử lí trách nhiệm. Và Hà Nội vẫn đẹp biết bao trong con mắt mọi người bởi những nhà lãnh đạo có tâm, có tầm, biết lắng nghe dân, tôn trọng dân.
Nhưng mà… Thôi thì muộn vẫn hơn không. Xin hoan nghênh lãnh đạo thành phố đã khẩn trương sửa sai. Chỉ mong là các vị một lần nữa hãy biết tôn trọng, lắng nghe dân mà xử lí đúng người đúng tội, minh bạch rõ ràng, đừng “nhầm lẫn” như việc chặt cây hay trồng cây để dư luận không phải thêm một phen “dậy sóng”.
Nguyễn Duy Xuân