Theo PGS.TS Nguyễn Hồi Loan, việc liên tiếp xảy ra các vụ thảm án trong thời gian gần đây, nhìn nhận ở góc độ tâm lý, xã hội học của các vụ thảm sát thì có nhiều nguyên nhân. Nếu không sớm ngăn chặn phần con trong mỗi người, khả năng xảy ra những vụ thảm án đẫm máu khủng khiếp hơn trong tương lai là có thể.
Bất ổn
Vụ thảm sát 4 người ở Yên Bái xảy ra vào tối ngày 12/8 khiến dư luận một lần nữa bàng hoàng. Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, liên tiếp các vụ thảm sát diễn ra khiến người ta buộc phải đặt câu hỏi, có chuyện gì đang diễn ra vậy, cảm giác của ông?
Từ trẻ em đến người già đều đặt câu hỏi rằng: Phải chăng có gì không ổn trong đời sống xã hội? Bằng hiểu biết về lĩnh vực này, tôi thấy rõ ràng có một sự bất ổn. Sự bất ổn đó đang rung chuông ở một bộ phận thanh thiếu niên hiện nay.
Ông có thể chỉ rõ sự bất ổn đó?
Đó có thể là sự sụp đổ niềm tin, có thể là sự đổ vỡ, rối loạn tâm thần... thể hiện sự bế tắc của một bộ phận thanh niên hiện nay đứng trước những đòi hỏi, hoàn cảnh, tình huống... mà trong chính cuộc sống của họ gặp phải và họ phải đương đầu và giải quyết để sinh tồn và phát triển. Chúng ta cần phải nhìn nhận nghiêm túc để có được những cách thức ngăn chặn thảm sát đang ngày càng trở nên trầm trọng trong xã hội.
Theo ông, cách đó là gì?
Chúng ta cần phải có công trình nghiên cứu để đưa ra những quyết sách, cách thức điều chỉnh để khắc phục, loại trừ hiện tượng này khỏi đời sống xã hội. Ở bất kể thể chế chính trị - xã hội nào thì hiện tượng thảm sát cũng đều bị lên án kịch liệt và không được phép tồn tại trong xã hội. Ở một số nước trên thế giới cũng có những vụ thảm sát đẫm máu như xả súng vào trường học, đánh bom liều chết... Ở nước ta đang mới manh nha phát triển ở mức độ nhất định, nếu vẫn tiếp tục thì nó có thể gia tăng với mức độ nặng hơn như những vụ thảm sát đã từng xảy ra trên thế giới. Nhìn xa ra thì chúng ta phải đề phòng các khả năng đó.
Sự bế tắc như ông vừa nói, cụ thể hơn là bế tắc về tư tưởng, suy nghĩ, hay vật chất?
Sự bế tắc đó là bởi không tìm ra, không thấy, không có thói quen giải quyết tình huống một bên là nhu cầu của bản thân với một bên các các ràng buộc của xã hội và cộng đồng. Hành vi giết người dã man đó thể hiện một bộ phận thanh thiếu niên đang có những phảm chất nhân cách và hành vi lệch chuẩn do bản thân họ không được thụ hưởng giáo dục đầy đủ từ phía gia đình từ nhỏ, mà trước hết là tình yêu thương của các thành viên trong gia đình.
|
PGS.TS Nguyễn Hồi Loan, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc Gia Hà Nội. |
Đánh đổi cuộc đời vì giàu sang
Có ý kiến cho rằng, chính đồng tiền đã làm tha hóa, biến chất con người, ông có nghĩ thế?
Hiện nay, trong các gia đình, tôi thấy người ta chưa giáo dục một cách cụ thể, đúng để mỗi thành viên trong đó ý thức được cái tôi, vị trí của mình trong xã hội. Tự xác định vị thế của mình trong trật tự xã hội. Xã hội này, người ta có thể giàu lên quá nhanh, chỉ trong một thời gian ngắn. Người trở thành giàu có ấy chưa đủ năng lực làm chủ bản thân, người thấp kém cũng mau chóng muốn giàu như thế. Hằng ngày, việc giàu – nghèo phơi bày một cách trần trụi, đập vào mắt người ta sự khác biệt lớn, rõ ràng, từ cách ăn mặc đi lại, nơi ở. Nó hối thúc con người, trong đó một bộ phận người nghèo muốn nhanh đạt được điều đó, và ở họ, có một bộ phận đã bằng các hành vi lệch chuẩn để đạt được mục đích của cá nhân mình.
Sự giàu sang phô bày ra cũng là điều dễ hiểu mà, người ta chỉ hơn nhau có thế?
Qua truyền thông, một mặt nào đó khiến cho người ta bị quá kích thích, thèm khát để đạt được điều đó. Cuộc sống các đại gia với các chiêu trò ăn chơi tốn kém của họ qua các phương tiện truyền thông chuyển tải cũng như chính bản thân họ được chứng kiến, “như một cái bánh thơm ngon đặt trước đứa trẻ chết đói”, thì dứt khoát nó sẽ lao đến ăn. Nôn nóng, vội vàng làm giàu là dễ hiểu. Người ta thiếu suy nghĩ, không ý thức được thân phận của mình trong xã hội nên nhiều lúc người ta không kiểm soát được chính mình, để bản năng vùng dậy, lấn át.
Theo ông vì sao dù đã có nhiều người phải tử hình vì giết người tàn độc, mà những hiện tượng tương tự vẫn xảy ra?
Theo tôi là bởi xử lý chưa nghiêm những cái ác, những hiện tượng lệch chuẩn trong xã hội. Điều đó làm người ta nhờn luật, làm người ta không chấp hành theo đúng luật. Từ giao thông đến các va chạm xích mích nhau ngoài đường có thể dẫn đến ngộ sát. Rồi bạn bè, những người như yếu tố thúc đẩy, dung túng hành vi thảm sát, nó như sự thừa nhận để làm điều đó.
Nhưng vì sao người ta lại dễ dàng hành xử với nhau bằng bạo lực như vậy, trước đây hiện tượng này có phổ biến thế đâu?
Trước hết, như phần trên tôi đã đề cập về sự bế tắc, đổ vỡ niềm tin, nhân cách lệch chuẩn. Đồng thời, cũng phải lưu ý về tác động của các sản phẩm văn hóa bạo lực kích thích bản năng gây hấn của con người đang lưu hành khá lớn qua phim ảnh, các trang web... mà mọi người tiếp cận nó một cách quá dễ dàng và nội dung của nó được thẩm thấu vào vô thức của con người. Đồng thời, tính cộng đồng hiện nay không còn chặt chẽ như trước đây, đôi khi con người bàng quan trước các hành vi ác trong xã hội. Sự vô cảm như dung túng cho cái ác.
Kiến thức để đương đầu với cái xấu
Ông nói đến hội nhập, là khi được tự do tiếp cận thông tin mà không có bộ lọc tốt thì dễ nhiễm “virus”?
Thảm sát ở quy mô lớn, các vụ án giết người, bạo hành khắp nơi... ở góc độ nào đó có ảnh hưởng đến nhận thức thái độ của một bộ phận các em. Tác động như thế nào thì tùy thuộc vào cái “phông” của mỗi người. Khi rơi vào hoàn cảnh bức xúc, những ấn tượng trong vô thức trỗi dậy, làm người ta thiếu kiểm soát. Khi cái “phông” để con người đương đầu quá rệu rã, quá lỏng, yếu kém... con người dễ sa ngã. Người ta sẽ luôn tự hỏi sao người kia ăn sung mặc sướng mà mình lại không, sao họ có thể giàu nhanh thế mà mình mãi nghèo? Đó là sự thiếu hụt trong giáo dục mà mỗi người phải cần có một cái “phanh” hãm đi phần con trong mình.
Trong câu chuyện này, giáo dục gia đình, hay nhà trường có lỗi?
Trong gia đình có vai trò lớn hơn, nếu cha mẹ không giáo dục con bằng tình yêu thương, cách ứng xử văn hóa, nhân văn thì trẻ dễ có hành vi ác. Tại sao hành vi thảm sát nó chỉ xảy ra trong một số cá nhân là thành viên của gia đình nhất định, cốt lõi chính là giáo dục gia đình, chúng ta không nên đổ lỗi đó cho nhà trường và giáo dục xã hội
Từ những câu chuyện đó thì người ta nên cảnh giác điều gì?
Ngay cả những người tử tế cũng cần phải có kiến thức và kỹ năng để đương đầu với cái ác. Cái ác, cái xấu ấy có thể nảy nở, nảy sinh ở những con người khác nhau, cá nhân khác nhau khi chúng ta tiếp xúc. Cái xấu luôn tiềm ẩn ở đâu đấy.
Hẳn là sau các vụ thảm án này, là một chuyên gia, ông vẫn luôn day dứt?
Đúng thế, tôi cảm thấy dường như những kẻ gây ra các thảm sát họ là người đang không thấy giá trị cuộc sống, họ không thấy hết ý nghĩa cuộc sống đáng quý đến thế nào, nên sẵn sàng lấy sự sống để đánh đổi một thứ gì đó, dám làm điều ác dù biết là sẽ chết. Tôi thấy rất buồn vì điều đó bởi con người không biết yêu thương chính bản thân mình, không yêu thương người thân yêu của mình và yêu thương đồng loại. Chúng ta phải ngăn chặn kịp thời để tránh các vụ thảm sát lớn hơn, những câu chuyện đau buồn hơn.
Xin cảm ơn ông!
Tối 12/8, vụ án chấn động xảy ra khiến 4 người trong một gia đình ở thôn 16, xã Lâm Giang, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái thiệt mạng. Nạn nhân gồm anh Trần Văn Long (SN 1983) và vợ là Phàn Thị Hoa (SN 1995), Trần Văn Tuyền, SN 2013 (con của anh Long, chị Hoa), Phàn Thị Hà (SN 2000, em gái của chị Phàn Thị Hoa). Sáng 15/8, lực lượng cảnh sát đã bắt được nghi can Đặng Văn Hùng gây ra vụ thảm sát 4 người ở Yên Bái. Lúc bắt, thanh niên 26 tuổi và người phụ nữ bỏ trốn cùng tỏ ra mệt mỏi.
Tô Hội (Thực hiện)