Đọc cái tít một nữ diễn viên bị lộ miếng dán ngực, tôi thấy chán đến nỗi không buồn đọc tiếp. Chả lẽ không còn cái gì tử tế để mà quan tâm nữa hay sao? Chả lẽ có thể dung tục, tầm thường cái sự đọc đến thế sao? Tại sao con người ta có thể nhỏ mọn đến cái độ lấy làm thích thú khi thấy những điều sơ ý bất cẩn của người khác đến như vậy?
|
Ảnh minh họa. |
Trong cuộc sống, chẳng ai là không có lúc sơ ý: Khuy áo cài lệch, tóc quên không chải, vết mực dính trên mặt, áo tuột, váy hở... Mỗi khi gặp sự cố không mong muốn như thế bạn chỉ mong đừng ai nhận thấy. Bạn sẽ ngượng ngùng, lúng túng thậm chí khổ sở khi thấy người khác chỉ trỏ, thì thầm hay cười phá lên vì mình...
Hơn nữa, thời đại thông tin này nhiều khi khiến cho những sự bất cẩn kia càng thêm nguy hiểm. Truyền hình trực tiếp, đưa ảnh lên mạng... nên chỉ một cái lỗi nhỏ lập tức được truyền đi với tốc độ chóng mặt. Và khi đã đưa ra công luận nó thành ra chuyện to, có thể ảnh hưởng đến hình ảnh, đến tư cách một con người. Người ta có thể thản nhiên bình luận, phê phán về hành động của người khác vì đó không phải là mình. Nhưng có bao giờ bạn nghĩ nếu mình lâm vào tình thế đó mà bị đưa lên mạng thì sẽ thế nào?
Có thể bạn sẽ nghĩ, thời nay người ta sống đơn giản, thấy sao nói vậy. Nhìn thấy hở váy thì bảo là hở, chả lẽ còn phải nói thế nào nữa? Nhưng dù là thời đại nào đi nữa thì cái quan trọng nhất vẫn là văn hoá, đạo đức, lối sống. Khiến người đối diện phải lúng túng, khó xử liệu có phải là cách cư xử của người có văn hoá? Trong truyện ngắn Ngôi nhà có căn gác nhỏ, Sekhốp đã rất sâu sắc khi chỉ ra: Người có giáo dục tốt không phải là người không bao giờ đánh đổ giấm mà là người không nhìn thấy người khác làm đổ giấm.
Cái sự không nhìn thấy không phải ở cái mắt mà là ở cái đầu, là ở văn hoá của con người. Không thấy không phải là không nhìn thấy mà là vờ như không thấy gì để người khác khỏi phải lúng túng, khó xử. Chỉ tiếc là người ta cứ thích khoe cái sự nhìn thấy chứ có mấy ai quan tâm đến sự không thấy.
Minh Anh