Bớt tham nhũng sẽ xây được bảo tàng nghìn tỷ

Google News

Ông Lại Đức Thụ, tổ 29, cụm dân cư Hòa Mục, phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội, bày tỏ quan điểm về việc xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

- "Xây bảo tàng cấp quốc gia là cần thiết. Còn tiền thì có khó gì đâu? Bớt chi tiêu tiền công quỹ, bớt tham nhũng đi, cán bộ đừng chỉ chăm chăm lo cho vợ con nữa mà hãy vì dân, vì nước đi!", ông Lại Đức Thụ, tổ 29, cụm dân cư Hòa Mục, phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội, bày tỏ quan điểm về việc xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Nhất thiết chứ không cấp thiết

[links(left)]Ông có biết thông tin Bộ Xây dựng vừa có tờ trình gửi Bộ Kế hoạch & Đầu tư thẩm định dự án xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, với tổng kinh phí lên tới hơn 11.000 tỷ đồng?

Tôi có biết thông tin này qua báo chí.

Ông có mong muốn một bảo tàng như thế?

Có chứ.

Vì sao ông lại mong?

Tôi nguyên là giảng viên Khoa Sử của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Do đó, tôi có điều kiện đi tham quan, thực tế ở nhiều bảo tàng và nhận thấy, chúng ta có một hệ thống bảo tàng khá phong phú, đa dạng cả về quy mô và hình thức. Hầu như tỉnh nào cũng có bảo tàng; các ngành, các giới cũng có bảo tàng riêng.
 
Thế nhưng, các bảo tàng này còn rời rạc, không có sự gắn kết với nhau, tưởng như thừa mà lại thiếu. Vì hiện nay, nước ta chưa hề có một bảo tàng mang tính quốc gia để thể hiện đầy đủ và rõ nét mọi mặt đời sống xã hội của dân tộc. Vì thế, cần phải xây bảo tàng đó.

Vậy theo ông, đến bây giờ chúng ta chưa có bảo tàng quốc gia có phải là muộn?

Nói là muộn thì cũng đúng. Nếu chúng ta làm từ trước thì càng tốt.

Nghĩa là, việc xây bảo tàng quốc gia đã thật sự cấp thiết?

Tôi cho rằng, nhất thiết phải có bảo tàng như thế. Nhưng nói rằng nó cấp thiết, phải xây ngay trong năm nay hay năm tới thì không hẳn. Có thể phải lùi lại vài ba năm nữa, thậm chí là lâu hơn cũng vẫn được.

Không vì khó khăn trước mắt...

Sao lại phải lùi lại như thế, thưa ông?

Chúng ta đã có bài học nhãn tiền là Bảo tàng Hà Nội hoàn thiện nhưng có rất ít người đến tham quan, vì nó có vỏ mà không có ruột, hiện vật rất nghèo nàn, thậm chí xây xong còn bị xuống cấp. Xây như thế thì xây làm gì, chỉ tốn tiền ngân sách thôi.
 
Vậy nên, khi xây dựng bảo tàng quốc gia thì phải có lộ trình. Trong đó, phải có sự liên kết của nhiều nhà khoa học ở nhiều ngành cùng góp tâm sức thực hiện, phải lấy ý kiến của các tầng lớp nhân dân nữa. Tức là, cái bảo tàng ấy phải là sự chung sức của cả xã hội chứ không riêng gì mấy Bộ. Khi ta chưa lấy được ý kiến dư luận rộng rãi, nghĩa là chưa có điều kiện chín muồi thì ta chưa nên làm.

Vậy còn số tiền hơn 11.000 tỷ đồng để xây bảo tàng. Ông nghĩ sao?

Số tiền đó nói lớn thì cũng là lớn, nhưng so với giá trị thật sự của bảo tàng thì không lớn đâu.

Nhưng thưa ông, có nhiều ý kiến cho rằng, hiện tại nền kinh tế đang khó khăn, ở đâu đó vẫn còn chuyện thiếu trường, thiếu trạm y tế thì việc bỏ ra một khoản tiền lớn để xây bảo tàng như thế là không hợp lý?

Tôi cũng là một người dân, tôi hiểu những cái khó khăn của cuộc sống khi mà lạm phát kéo dài, giá cả tăng cao, đường sá xuống cấp, tắc đường... Nhà nước cũng đang tháo gỡ dần bằng nhiều giải pháp, cả ngắn hạn và dài hạn. Thế nhưng, tôi cho rằng không thể vì những khó khăn trước mắt ấy mà ta bỏ qua cái lâu dài như việc xây bảo tàng này. Nếu cứ như thế thì sẽ chẳng bao giờ ta làm được gì cho tương lai đâu.

Ông Lại Đức Thụ, phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.
Ông Lại Đức Thụ, phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.

Tôi cũng xót tiền lắm chứ!

Ông cứ bảo là hướng tới cái lâu dài, nhưng khi cái trước mắt chưa giải quyết được thì làm sao mà tạo ra sự đồng thuận trong dân được? Bỏ ra hơn 11.000 tỷ đồng xây bảo tàng lúc này liệu có phải là "nghèo nhưng muốn chơi sang"?

Đúng là trong lúc này chúng ta đang rất khó khăn. Nhưng không phải là không có cách giải quyết. Bớt chi tiêu tiền công quỹ, bớt tham nhũng đi, cán bộ đừng chỉ chăm chăm lo cho vợ con nữa mà hãy vì dân, vì nước đi! Nếu không có mấy vụ như Vinashin, Vinalines thì chúng ta còn xây được cả chục cái bảo tàng hơn 11.000 tỷ đồng như thế ấy chứ.

Nói như ông thì dễ quá!

Chúng ta đã có Luật Phòng chống tham nhũng, có Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, thế nhưng chẳng hiểu sao tham nhũng vẫn cứ diễn ra, lộng hành như thế? Dân chúng tôi thấy các tập đoàn Nhà nước làm ăn thua lỗ, thất thoát hàng nghìn tỷ đồng, đâu đó có chuyện quan chức xà xẻo công quỹ cũng xót lắm chứ! Vì đó là tiền thuế từ mồ hôi, công sức của dân đóng góp kia mà.
 
Lãnh đạo hãy biết chấp nhận nỗi đau, chấp nhận cắt đi những khối u là những con sâu tham nhũng. Phải làm kiên quyết, làm tận gốc đi! Dân chúng tôi mong mỏi điều đó.

Đứng từ trên nhìn xuống

Ông nghĩ sao khi Bộ Xây dựng đưa ra tờ trình xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia vào thời điểm này, như ông chỉ ra là nó "chưa chín muồi"?

Tôi nghĩ chắc cũng phải có "phết phẩy" gì đó, nghĩa là có lợi ích kinh tế nhất định trong đó. Mà chẳng riêng gì Bộ này đâu, đọc báo, xem ti vi thi thoảng lại có những cái đề xuất, quy định chẳng đâu vào đâu, vừa đưa ra đã bị dân phản đối, bất bình, sau phải bỏ đấy thôi.

Theo ông thì vì sao lại có những quy định, đề xuất "chẳng đâu vào đâu" như thế?

Có thể vì năng lực, trình độ có hạn. Một phần nữa là vì các cơ quan, ban ngành cứ đứng từ trên nhìn xuống dân rồi ra quyết định, tưởng như dân họ cũng nghĩ như mình, có mức sống như mình. Họ chẳng gần dân, chẳng hiểu gì dân thì lấy đâu ra quyết định hợp lòng dân được? Ngay như cái tờ trình xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia của Bộ Xây dựng thời điểm này cũng thể hiện sự chưa gần dân.

Hiện đang có rất nhiều ý kiến phản đối việc bỏ ra hơn 11.000 tỷ đồng xây dựng bảo tàng lúc này. Ông có tin là nó sẽ bị ngưng lại?

Cần ngưng lại chứ, vì Bộ Xây dựng chưa tập hợp được ý kiến của đại bộ phận dân chúng cùng các nhà khoa học, nhà chuyên môn mà. Hãy đợi đến thời điểm chín muồi. Thà làm chậm mấy năm nhưng được dân ủng hộ thì bảo tàng mới thật sự phát huy ý nghĩa của nó.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
"Không nên đặt tên là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia mà phải là Bảo tàng Quốc gia, vì như thế mới thể hiện đầy đủ những nội dung trưng bày trong đó, gồm lãnh thổ, biên giới, vùng trời, vùng đất, các dân tộc, sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước qua các thời kỳ. Còn tên Bảo tàng Lịch sử Quốc gia thì không thể hiện được đầy đủ những điều đó".
Ông Lại Đức Thụ
 
Vũ Thủy (Thực hiện)