Những năm gần đây, cứ mỗi dịp xuân về là chủ đề “bỏ Tết” lại hâm nóng dư luận. Và phần lớn những người chủ trương bỏ Tết Nguyên đán đều viện dẫn lý do “hội nhập với văn minh thế giới”, hay nghỉ Tết quá dài khiến đất nước “chậm tiến”.
Tôi không nằm ngoài số đông những người mong muốn đất nước phát triển, xã hội văn minh. Nhưng tiếp thu văn minh mà bỏ đi giá trị văn hóa của dân tộc thì quả là điều xưa nay hiếm thấy.
Thực ra, chuyện văn minh hay hội nhập dường như chỉ là cái cớ đẹp đẽ mà một số người hùa theo để ủng hộ việc bỏ Tết.
Tôi thấy nhiều bạn trẻ chỉ mong bỏ Tết để không phải phục vụ gia đình, không phải thực hiện những nghĩa vụ nai lưng cật mặt trong những ngày tết. Ở đâu đó trên báo, trên các diễn đàn, tôi thấy hội chị em kêu la trời đất rằng tết là địa ngục trần gian, nghĩ đến tết là ớn, là sợ.…
|
Những người kêu gọi bỏ Tết liệu còn giữ được những ký ức đẹp về ngày Tết thơ ấu? |
Nhưng hình như họ đã quên đi một giá trị tinh thần trong sâu thẳm tâm hồn của họ khi thơ bé, đó chính là cảnh được mong ngóng một cái tết xum vầy hạnh phúc, chan chứa tình thân. Tết khi đó đã nuôi lớn tầm hồn thơ bé của họ biết nhường nào. Và bây giờ họ đòi bỏ Tết chỉ vì họ cảm thấy mệt mỏi với trách nhiệm của một người lớn trong ngày Tết.
Nếu khi xưa bố mẹ ông bà các bạn cũng suy nghĩ như các bạn bây giờ thì chắc hẳn, ký ức tuổi thơ của các bạn sẽ không còn là những điều tuyệt vời nhất mỗi khi ngồi hoài niệm.
Đất nước, xã hội phát triển không phải vì ở đó không có những lễ hội truyền thống, cũng không phải vì ở đó người ta xay sưa bù khú, mà đất nước kém phát triển là ở ý thức con người. Một đất nước với số đông chỉ biết tư lợi cho bản thân mình thì đừng mong sẽ hóa rồng trong tương lai.
Chẳng phải nghĩ đâu xa, ngay chính trong gia đình của mỗi các bạn cũng vậy. Một gia đình mà mỗi thành viên chỉ quan tâm đến lợi ích của bản thân thì gia đình đó sẽ khó có thể tránh khỏi bất hòa cãi vã. Những đứa con sinh ra trong gia đình đó, nếu không được uốn nắn bởi một môi trường giáo dục tốt sẽ trở thành những đứa con bất hảo.
Khi ý thức của một người chỉ gói gọn trong hai từ “bản thân”, con người đó sẽ không thể thoát khỏi cái bóng tối của chính mình để trở thành một người có đóng góp cho sự phát triển cộng đồng.
Nếu bạn bắn vào quá khứ bằng súng lục, tương lai sẽ bắn vào bạn bằng đại bác.
Bây giờ bạn phủ nhận những giá trị văn hóa tốt đẹp của thế hệ đi trước, thế hệ con cháu sẽ dành cho bạn điều gì trong tương lai?
Trường Nguyễn