Sau những giải thích của thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh - Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, dư luận cả nước hiện vẫn xôn xao về Thông tư số 57/2015/TT-BCA (Thông tư hướng dẫn về trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ) vừa có hiệu lực từ ngày 06/1/2016 của Bộ Công an.
Ngoài một số ý kiến ủng hộ trong ngành, đa phần các ý kiến trong đó có đại biểu quốc hội, chuyên gia trong lĩnh vực ô tô không đồng tình với quy định trang bị bình chữa cháy cho ô tô này. Nhiều ý kiến đã chỉ ra rằng, quy định này là không cần thiết, lại lợi bất cập hại vì chưa cháy xe thì bình đã có thể phát nổ trong xe.
|
Bình chữa cháy cho ô tô, cần theo "luật" của tự nhiên. |
Sau khi tổng hợp lại tất cả các quan điểm trái chiều, bài viết này bổ sung làm sáng tỏ thêm như sau:
Phải thừa nhận rằng trong tất cả các giải pháp cho cuộc sống thì thông thường đều có 2 mặt ưu điểm, nhược điểm của nó. Vì khó có thể có một biện pháp cầu toàn, cho nên đúng đắn nhất là người ta chỉ có cách chọn ra biện pháp nào mà 2 mặt ưu, nhược điểm ấy phù hợp với họ.
Điều này cũng xuất phát từ một quy luật mà người ta cần chú ý đến. Tuy luật pháp là quy định cao nhất trong xã hội loài người, nhưng lại có thứ quy định còn đứng trên cả luật pháp của con người mà người ta vẫn đang phải phục tùng hàng ngày. Đó chính là Quy luật của Tự nhiên!
Không thể phủ nhận được rằng Tự nhiên đã ban ra những quy luật về bản năng, phản xạ mà con người bắt buộc phải tuân theo. Chẳng hạn như khi đằng sau có tiếng động mạnh thì người ta quay đầu lại, bị ánh sáng chói chiếu vào mắt thì người ta ngoảnh mặt đi, hay như bị đau thì rụt người lại... Và tất nhiên, khi nhìn thấy nguy hiểm, người ta đều có bản năng bỏ chạy rời xa khỏi vùng nguy hiểm.
Do đó, ở sự việc bàn đến này, khi nhìn thấy xe ô tô của mình đang cháy, theo phản xạ tức thời, người ta lập tức tránh xa ngọn lửa đang cháy vì lửa xe có thể bùng lên và phát nổ chiếc xe bất cứ lúc nào, chứ không ai lại nghĩ đến việc chui vào trong xe đang cháy như quả bom nổ chậm đó tìm bằng được cái bình cứu hỏa ra để dập lửa cả.
Ngay cả đến xe con của người có nghề cứu hỏa cũng vậy. Theo phản xạ, người có nghề cứu hỏa này cũng tránh xa khỏi xe đang bốc cháy chứ chưa nói đến những người không làm nghề cứu hỏa khác chẳng tập luyện cứu hỏa hàng ngày, thì làm sao mà đòi hỏi họ có phản xạ " thấy xe cháy thì chui vào tìm bình dập lửa" được?
Mà khi con người không có bản năng "thấy xe cháy thì chui vào tìm bình dập lửa" ấy, thì việc có bình cứu hỏa trong xe còn có tác dụng gì nữa? Bình cứu hỏa có mà lại không để dập hỏa được, thì chẳng lẽ để cho đẹp? Đẹp thì chưa thấy ai khen, chỉ thấy là báo chí đã phản ánh có vụ nổ bình cứu hỏa trên xe, suýt chết người!
Ở đây nhà làm luật lại quên mất là, chẳng có thứ hành động nào nhanh bằng hành động phản xạ. Dù có quy định bắt buộc "Nhìn thấy xe cháy thì phải chui vào tìm bình dập lửa", thì người ta vẫn cứ phản xạ là chạy xa khi nhìn thấy xe đang cháy, khi chạy xa rồi người ta mới tìm cách dập lửa từ bên ngoài vào.
Như vậy là luật của con người không có hiệu lực bằng "luật" của tự nhiên. Cho nên, dù muốn hay không thì luật của nhà làm luật vẫn cứ phải phù hợp với luật của tự nhiên, thì mới thực hiện được. Vì vậy, bình cứu hỏa mặc dù luôn có trong xe nhưng người ta vẫn không kịp hành động có suy nghĩ đó, mà luôn bật ra ngay hành động phản xạ là bỏ chạy khỏi nguồn nguy hiểm.
Trong trường hợp này, nhà làm luật lại không tính đến yếu tố phản xạ tự nhiên của con người, vốn là "luật" của tạo hóa luôn luôn đứng trên tất cả thứ luật của xã hội loài người. Điều đó đã cho thấy, khi ban hành văn bản pháp luật, rất cần phải chú ý đến "Luật của Tự nhiên" !
Do đó, để phòng chống cháy nổ cho xe, phù hợp hơn cả là xử lí khâu kiểm định chất lượng thật tốt để ngăn ngừa nguồn phát hỏa trong xe, chứ không thể đặt hi vọng vào những "lính cứu hỏa bất ngờ" là người đi xe được, vì họ không có phản xạ cứu hỏa kịp thời ấy.
(Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả)
Phạm Mạnh Hà