Trong những năm gần đây, dường như đã thành lệ, vào đầu năm học mới, dư luận và báo chí lại bàn tán nhiều về chuyện khai giảng năm học. Có đến hàng chục, hàng trăm bài viết đăng trên các báo, trên các trang mạng xã hội bình luận về việc tổ chức lễ khai giảng năm học mới rình rang, tốn công sức của hàng triệu thầy cô và học sinh trong cả nước. Sự bất bình của dư luận về những buổi lễ khai giảng bắt học trò phải đứng nắng, đội mưa đợi lãnh đạo cấp trên hay nghe những bài diễn văn, bài phát biểu dây cà ra dây muốn đã lên đến đỉnh điểm.
Thế nhưng, dư luận kêu thì cứ việc kêu, ngành giáo dục vẫn cứ làm theo cách của mình. Phải đợi đến ngày 12/8 vừa rồi, trong một hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2014-2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lên tiếng thì dư luận mới hi vọng có sự chuyển biến trong nội bộ ngành giáo dục về việc tổ chức lễ khai giảng. Nói hi vọng vì còn phải đợi đến sáng 5/9 này mới kiểm chứng được sự chuyển biến đó đến mức độ nào.
|
Bệnh sĩ diện, ưa hình thức là nguyên nhân của những lễ khai giảng năm học mới nặng nề, "hành xác" học sinh. Ảnh minh họa. |
Tại sao một lễ khai giảng gọn nhẹ, gây ấn tượng đẹp cho học sinh lại khó thực hiện đến thế? Tại sao phải đợi đến khi có chỉ đạo của Phó Thủ tướng thì ngành giáo dục mới chịu thay đổi? Câu trả lời xin dành cho các vị lãnh đạo ngành giáo dục từ trung ương đến cơ sở.
Nói về việc tổ chức khai giảng của tất cả các trường trên cả nước trong cùng một ngày. Thực ra, cách đây vài ba chục năm, ngày mồng 5 tháng 9 hằng năm đã là ngày khai giảng của cả nước rồi. Truyền thống đó có từ ngày khai trường đầu tiên với thư Bác Hồ gửi học sinh nhân ngày khai trường tháng 9/1945.
Nói về lễ khai giảng gọn nhẹ, ấn tượng thì cách đây vài ba chục năm trở về trước, chúng ta cũng đã từng có những lễ khai giảng như thế.
Nhưng có lẽ cái tư duy thích "cải cách" cộng với bệnh hình thức đã thay đổi tất cả, kể cả những nét đẹp đã thành truyền thống. Còn nhớ, những năm đầu thập kỉ 80 của thế kỉ 20, chúng ta làm cuộc cải cách thay đổi hình dạng chữ viết, từ mẫu chữ mang tính thẩm mĩ cao sang mẫu chữ thô cứng. Hậu quả của cuộc cải cách đó như thế nào thì ai cũng biết, vậy mà, phải mất 20 năm sau, Bộ mới đủ “dũng cảm” quay trở lại mẫu chữ viết truyền thống như hiện nay.
Và bây giờ là lễ khai giảng. Để có được một ngày khai giảng như mong đợi của dư luận, cần một sự thay đổi trong nhận thức và hành động của các nhà quản lí, không riêng gì ngành giáo dục. Điều này không có gì là khó đối với các thầy cô hiệu trưởng. Hãy bớt đi bệnh sĩ, bệnh hình thức thì sẽ có một lễ khai giảng gọn nhẹ. Hãy loại bỏ những diễn văn khai giảng theo kiểu liệt kê thành tích, kể lể công lao thì sẽ có ngay buổi lễ khai giảng ấn tượng, ý nghĩa, đem lại cảm xúc vui tươi, phấn khởi cho thầy cô giáo và học sinh. Và hãy làm việc một cách bài bản, khoa học, khách quan thì học sinh sẽ đỡ phải chịu đựng cảnh đứng nắng đợi các bác lãnh đạo cấp trên.
Còn các vị lãnh đạo địa phương, các vị quan chức cấp trên của ngành giáo dục, mong các vị hãy tôn trọng lời mời của nhà trường, tôn trọng hàng ngàn học sinh, và đặc biệt là tự trọng bản thân mình với chức danh lãnh đạo mà đến dự lễ đúng giờ. Nếu vì lí do bất khả kháng không đến được thì hãy gọi điện báo cho nhà trường chứ đừng bắt các cháu toát mồ hôi hột dưới nắng gắt đợi chờ. Nếu lãnh đạo trường có nhã ý mời phát biểu, tốt nhất các vị nên từ chối khéo trước, còn không thì chỉ nên nói mấy lời chúc mừng là đủ, còn huấn thị, chỉ đạo xin dành cho một dịp khác.
Hi vọng rằng với một nhận thức như vậy, năm nay cả nước sẽ có những buổi lễ khai giảng năm học mới thực sự vì học sinh thân yêu, vì một nền giáo dục đang trên đường đổi mới và phát triển.
Nguyễn Duy Xuân