245 tỷ “bốc hơi” tại Eximbank: Đã kinh doanh NH phải chấp nhận rủi ro

Google News

(Kiến Thức) - Việc ngân hàng, tổ chức tín dụng (trong vụ việc này là Eximbank) để nhân viên chiếm đoạt tiền, tài sản của khách phải nhìn nhận đó là lỗi của phía ngân hàng trong quản lý nhân viên/quản lý của mình.

Những ngày đầu xuân Mậu Tuất 2018, dư luận không ngớt câu chuyện bà C.T.B - một nữ đại gia trong giới thủy sản gửi tiền tiết kiệm bị ông Lê Nguyễn Hưng, Phó Giám đốc Eximbank chi nhánh TP HCM làm giả giấy tờ, chữ ký để chiếm đoạt 245 tỷ đồng và đã cao chạy xa bay.
Dư luận có quyền đặt câu hỏi “liệu nữ đại gia kia có mất số tiền 245 tỷ đồng” khi đại diện ngân hàng Eximbank đã thẳng thắn trả lời “chờ quyết định của Tòa án”, một câu trả lời mô phạm, chỉn chu đúng chất, đúng luật nhất có thể đã được phát ra.
Việc thượng tôn pháp luật như vậy đáng ra phải được ủng hộ. Vậy tại sao nhiều người vẫn lo lắng, hoang mang khi đón nhận thông tin đó.
 Ảnh minh họa.
Bởi họ đã thấy kết quả Tòa án tuyên đối với vụ đại án Huyền Như cũng như một số vụ án khác liên quan đến ngân hàng, đến định chế tài chính theo cách “đánh bùn sang ao”, người thua thiệt cuối cùng vẫn là khách hàng mà không phải các ngân hàng hay định chế tài chính.
Thực tế, khi nhìn lại các sự kiện pháp lý chúng ta đều thấy, người dân khi đem tiền gửi ngân hàng là một quan hệ giao dịch dân sự, tiền được gửi vào đúng nơi mà pháp luật cho phép và bảo vệ, khi đi gửi người dân không viết giấy, hợp đồng, sổ tiết kiệm với bất kỳ cá nhân nào khác ngoài pháp nhân là tổ chức tín dụng mình đã tin cậy.
Việc cá nhân, tổ chức nào đó chỉ gọi hay yêu thích một nhân viên ngân hàng để thường xuyên lựa chọn giao dịch chỉ thể hiện tình cảm cá nhân, không liên quan đến quan hệ giao dịch dân sự giữa cá nhân tổ chức đó với tổ chức tín dụng mà mình tin cậy gửi tiền vào.
Vì vậy, khách hàng ở đây không thể là bị hại bởi hành vi vi phạm của người đó với pháp luật trong một mối quan hệ pháp luật dân sự khác đã được xác lập và pháp luật bảo vệ.
Việc xác định tư cách tham gia tố tụng của người dân/người gửi tiền/khách hàng... phải là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự giữa vị Phó giám đốc ngân hàng “lừa đảo” hay “lạm dụng chức vụ” với chính ngân hàng đó, chỉ là người liên quan đến việc chứng minh số tiền tại tài khoản/sổ tiết kiệm với giá trị chứng cứ. Số tiền bị chiếm đoạt tại thời điểm có hành vi phạm tội đang thuộc thẩm quyền quản lý của ngân hàng, tổ chức tín dụng.
Việc ngân hàng, tổ chức tín dụng để nhân viên của mình chiếm đoạt tài sản của khách phải nhìn nhận đó là lỗi của phía ngân hàng trong việc quản lý nhân viên/quản lý, người vi phạm chỉ là đại diện, thay mặt cho tổ chức tín dụng giao dịch.
Vậy nên, ngân hàng phải chịu trách nhiệm về toàn bộ thiệt hại đối với người gửi tiền, người mở tài khoản tại tổ chức của mình bao gồm cả những thiệt hại phát sinh liên quan.
 Luật sư Nguyễn Thế Truyền - Giám đốc Công ty Luật Thiên thanh – Đoàn luật sư Hà Nội.
Chúng ta đều thấy khôi hài khi trong vụ đại án Huyền Như thì phía ngân hàng khẳng định “không thiệt hại”... Tính công bằng trong quá trình áp dụng luật pháp cũng có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ công lý. Nếu chỉ vì bảo vệ các định chế tài chính, nuông chiều, dung túng các tổ chức tín dụng yếu kém thì hệ quả của nó sẽ rất lớn.
Khi các ngân hàng, tổ chức tín dụng kinh doanh tiền tệ một loại hình kinh doanh đặc biệt thì cũng phải chấp nhận những rủi ro, rủi ro đó có thể đến từ thị trường, có thể đến từ yếu tố khách quan.
Vậy tại sao lại không chấp nhận cho việc phải chịu rủi ro chính từ những yếu tố chủ quan, từ sự yếu kém của quy trình, từ sự vi phạm của chính những người trong tổ chức của mình.
Đã kinh doanh phải chấp nhận rủi ro, chấp nhận thua được chứ không thể chỉ có thu lời mà không phải chịu bất kỳ rủi ro nào từ chính năng lực của mình.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền