Vụ việc cô giáo ở trường THCS Duy Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) ép các học trò của mình phải tát bạn đến 230 cái rất mạnh và chính cô giáo cũng dành một cái tát “chốt hạ” khiến một em học sinh non nớt phải nhập viện đang gây phẫn nộ trong dư luận cả nước.
Từ những bậc phụ huynh đến các thầy cô giáo đồng nghiệp trên cả nước và ngay cả lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng khó có thể hình dung một cô giáo có thể hành động như vậy. Bởi trên thế giới cũng không có một thầy cô giáo nào bắt học sinh phải hứng chịu đến 231 cái tát.
Ngay Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa khi trao đổi với báo chí cũng phải thốt lên rằng: “Không thể chấp nhận việc cô giáo phạt học sinh 231 cái tát”. Bởi đó, không chỉ là bạo lực trong học đường mà hành vi của cô giáo đã đạt đến tột cùng của cái ác ngay trong môi trường giáo dục dạy các học sinh đạo đức đến làm người.
|
Trường THCS Duy Ninh. Ảnh: Zing.vn |
Dư luận còn choáng váng hơn khi giải thích cho hành động của mình, cô giáo nói rằng “do nóng giận và một phần vì áp lực thi đua”. Rõ ràng đây là biểu hiện của căn bệnh thành tích trong giáo dục vốn tồn tại trầm kha dù ngành giáo dục đã phải phát động phong trào nói không với bệnh thành tích trong giáo dục nhiều năm qua.
Bệnh thành tích xuất phát từ việc các trường bị khống chế bằng các chỉ tiêu để xếp loại trường. Nhà trường muốn có danh hiệu tạo áp lực lên giáo viên và các thầy cô giáo vì muốn có thành tích cá nhân nên bất chấp mọi thủ đoạn, nhẹ thì bắt học sinh phải học tập nhiều, kể cả phải đi học thêm, nặng hơn thì sử dụng bạo lực như việc cô giáo ép học sinh trong lớp tát bạn đến hơn 200 cái và bản thân mình cũng tham gia tát học sinh chỉ để “răn dạy” vì em học sinh dám nói bậy. Ngay chính các bậc phụ huynh cũng nhìn vào trường có nhiều thành tích để đua nhau cho con theo học.
Bệnh thành tích nặng nề đến mức, sự việc cô giáo chỉ đạo tát học sinh 231 cái đến mức phải nhập viện, nhưng khi trao đổi với báo chí, chính cô giáo Phạm Thị Lệ Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Duy Ninh xin báo chí đừng lên tiếng vì trường sắp được công nhận danh hiệu Trường chuẩn Quốc gia mức độ II. Bởi theo nữ hiệu trưởng: “Nếu chỉ vì hành động sai trái của một cá nhân thì toàn bộ công sức của tập thể nhà trường sẽ đổ xuống sông, xuống biển”.
Một hiệu trưởng nhà trường biết rõ hành vi vi phạm của cô giáo nhưng vẫn muốn báo chí phải im lặng vì thành tích của nhà trường thì không khó để lý giải vì sao một học sinh phải hứng chịu đến 231 cái tát từ chính những bạn cùng lớp, thậm chí chính từ bàn tay cô chủ nhiệm mà em xem như “mẹ hiền”.
Dư luận đặt ra câu hỏi đến bao giờ ngành giáo dục có giải pháp để ngăn chặn bệnh thành tích trong giáo dục? Đến bao giờ các trường không vì thứ thành tích không có giá trị thực tiễn để không tạo áp lực lên các giáo viên và các em học sinh không phải gánh chịu hậu quả của căn bệnh trầm kha này?
Có thể dễ dàng lý giải, việc một học sinh bị bạn tát đến hơn 200 cái nằm ở chính tư duy, nhận thức của giáo viên. Nhưng rất khó hiểu khi bước chân vào môi trường sư phạm, cô giáo đã được đào tạo bài bản về đạo đức của nhà giáo mà vẫn vi phạm đạo đức khi áp dụng phương pháp phản giáo dục sử dụng hình phạt nặng nề để kỷ luật một em học sinh vi phạm theo kiểu “luật rừng” chứ không phải các quy chuẩn sư phạm.
Rất tiếc những hành vi phản giáo dục, vi phạm đạo đức nhà giáo của cô giáo trường THCS Duy Ninh lại diễn ra ít ngày khi cả xã hội tôn vinh các thầy cô giáo. Sự tôn vinh các thầy cô giáo bởi đây là ngành đặc thù không chỉ dạy dỗ các em học sinh kiến thức mà còn dạy dỗ các em đạo đức để làm người.
Đáng buồn các em sau này có thể thành người tốt hay không khi chập chững ngồi trên ghế nhà trường đã được thầy cô dạy dỗ phải sử dụng bạo lực với chính người bạn của mình khi bạn mắc lỗi? Làm sao có thể hướng thiện các em học sinh, khi chính những cái tát vào mặt bạn ấy sẽ ngấm vào tư duy các em. Điều đó thật nguy hiểm khi đầu ra của giáo dục chính là những con người quyết định cho sự hưng thịnh hay tồn vong của một quốc gia, dân tộc.
Ngay trong môi trường sư phạm, bạo lực và cái ác vẫn tồn tại thì cũng quá dễ để lý giải vì sao xã hội ngày càng gia tăng những vụ án mạng thương tâm khi con giết cha, vợ giết chồng, ngày ngày đều xảy ra những vụ án mạng , những vụ hỗn chiến rùng rợn...
Dù bất kể nguyên nhân gì cũng không thể chấp nhận những cô giáo vốn được xem như “mẹ hiền” lại sử dụng bạo lực để dạy dỗ học sinh như việc cô giáo chỉ đạo tát học sinh hàng trăm cái hay như ép học sinh phải súc miệng bằng nước giẻ lau? Bởi một xã hội văn minh không thể chấp nhận được cái ác tồn tại trong ngành giáo dục. Đau xót hơn 231cái tát kia đã biến cô giáo từ “mẹ hiền” thành quỷ dữ và là nỗi ám ảnh cả đời với các em học sinh.
Ngành giáo dục cần những cô giáo như mẹ hiền chứ không cần những “cô giáo như quỷ dữ” đã đến lúc phải loại ngay những trường hợp trên ra khỏi ngành giáo dục kể cả những trường hợp vì thành tích mà muốn ỉm đi sự việc như hành động của chính nữ hiệu trưởng nhà trường.
Thiên Nga