Hỏi: Cháu 23 tuổi, chiều cao thì có dư mà cân nặng thì lại thiếu (cao 1,75m, nặng 44 kg). Cháu đi khám dinh dưỡng thì bác sĩ nói rằng có thể do cháu bị nhiễm giun nên bị ảnh hưởng đến sự tăng cân. Xin bác sĩ tư vấn giúp cháu là làm thế nào để biết mình bị nhiễm giun và phòng ngừa thế nào? - Trương Văn Tuấn (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang).
|
Ảnh minh họa. |
TS.BS Trần Phủ Mạnh Siêu, Phó Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi TPHCM: Bệnh nhiễm giun sán đường ruột (giun đũa, giun tóc, giun móc, giun kim, sán dải heo, sán dải bò...) chỉ gây ảnh hưởng quan trọng lên trẻ em và lứa tuổi thiếu niên do bị giảm nguồn dinh dưỡng có thể gây chậm lớn, chậm phát triển về thể chất, tinh thần. Tuy nhiên, ở người trưởng thành, nếu bị nhiễm giun đường ruột lâu ngày như giun đũa, giun tóc, nhất là giun móc, giun lươn, sán dải heo, sán dải bò sẽ gây suy nhược cơ thể, sụt cân, mệt mỏi...
Có nhiều nguyên nhân gây sụt cân hoặc không tăng cân... Giun sán là một trong những nguyên nhân chính. Để chẩn đoán chính xác nguyên nhân, bệnh nhân cần khám chuyên khoa ký sinh trùng, bác sĩ sẽ hỏi kỹ thói quen ăn uống, nơi cư trú, nghề nghiệp, sau đó sẽ cho bệnh nhân xét nghiệm phân tìm ký sinh trùng... khi chẩn đoán được chính xác nguyên nhân thì bác sĩ sẽ cho thuốc điều trị đặc hiệu kèm với thuốc bổ máu, vitamin, bệnh sẽ khỏi hoàn toàn.
PV (ghi)