Nhận diện nhầm lẫn về các bệnh tâm thần

Google News

(Kiến Thức) - Ông Hoàng Văn Khoa (70 tuổi, đường Giáp Bát, Hoàng Mai, Hà Nội) và một số bạn đọc khác viết thư về tòa soạn hỏi về sự khác nhau giữa bệnh trầm cảm, tâm thần phân liệt và rối loạn lưỡng cực? Thực tế đây là những bệnh rất dễ gây nhầm lẫn.


Ảnh minh họa. 

Với các nhà chuyên môn, người ta phân biệt 3 bệnh trên trên cơ sở cận lâm sàng và lâm sàng. Về cận lâm sàng, trầm cảm là sự giảm sút nồng độ Serotonin trong não; Tâm thần phân liệt, rối loạn cảm xúc là sự tăng nồng độ Dopamin trong não. Về lâm sàng, bệnh trầm cảm, tâm thần phân liệt và rối loạn cảm xúc có sự khác biệt về thời gian mắc và triệu chứng.

Cụ thể, về thời gian, trầm cảm là các triệu chứng kéo dài trên 2 tuần; Tâm thần phân liệt là triệu chứng hoang tưởng, ảo giác kéo dài trên 1 tháng; rối loạn cảm xúc là các triệu chứng kéo dài trên 1 tuần. Giữa các bệnh này có khác nhau về triệu chứng: Trầm cảm có hội chứng trầm cảm như khí sắc giảm, mệt mỏi (mất năng lượng), mất ngủ, mất hứng thú hoặc sở thích, mất cảm giác ngon miệng, cảm giác vô dụng hoặc tội lỗi, vận động tâm thần chậm chạp, giảm khả năng suy nghĩ, tập trung chú ý, ý nghĩ về cái chết.

Rối loạn cảm xúc lưỡng cực giai đoạn hưng cảm thì có hội chứng hưng cảm với biểu hiện khí sắc tăng, giảm nhu cầu ngủ, tự cao, vui vẻ quá mức, nói nhanh và nói nhiều, ý nghĩ nhanh, phân tán chú ý, tăng hoạt động ưa thích.

Tâm thần phân liệt thể paranoid thì có hội chứng paranoid biểu hiện hoang tưởng bị hại, ảo thanh bình phẩm hoặc xui khiến, tâm thần tự động. Mỗi bệnh sẽ được điều trị theo các cách khác nhau. Bệnh nhân tâm thần phân liệt được dùng thuốc an thần, bệnh nhân trầm cảm dùng thuốc chống trầm cảm kết hợp với thuốc bình thần, bệnh nhân rối loạn cảm xúc dùng thuốc an thần kết hợp với thuốc chỉnh khí sắc.