Nguy cơ phụ nữ mang thai mắc bệnh tay chân miệng

Google News

(Kiến Thức) - Tốt nhất phụ nữ mang thai nên tránh tiếp xúc gần với bất cứ ai bị bệnh và đặc biệt chú ý đến các biện pháp phòng ngừa lây truyền.

Hỏi: Cháu nội tôi bị bệnh tay chân miệng trong khi con dâu tôi lại đang mang thai. Xin hỏi, phụ nữ mang thai có thể bị lây bệnh không? Nếu bị thì có nguy hiểm cho mẹ và bé không? - Nguyễn Thu Thủy (Sóc Sơn, Hà Nội).
 Ảnh minh họa.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế: Tốt nhất phụ nữ mang thai nên tránh tiếp xúc gần với bất cứ ai bị bệnh và đặc biệt chú ý đến các biện pháp phòng ngừa lây truyền (rửa tay thường xuyên với xà phòng trước khi chuẩn bị thức ăn và ăn uống, làm sạch môi trường bị ô nhiễm, tránh tiếp xúc gần (ôm, hôn, dùng chung đồ dùng...) với trẻ em bị bệnh, che miệng và mũi khi hắt hơi và ho...). 
Nhiễm virus đường ruột và bệnh tay chân miệng rất hay gặp ở phụ nữ mang thai vì họ thường xuyên tiếp xúc với mầm bệnh. Chúng có thể gây bệnh nhẹ hoặc không gây bệnh ở phụ nữ mang thai. Hiện chưa có bằng chứng rõ ràng về việc nhiễm virus đường ruột, trong đó có virus gây bệnh tay chân miệng ở bà mẹ, có liên quan đến hậu quả bất lợi đặc biệt của thai kỳ (như sẩy thai, thai chết lưu hoặc dị tật bẩm sinh). 
Tuy nhiên, phụ nữ mang thai có thể truyền bệnh cho em bé nếu họ bị nhiễm một thời gian ngắn trước khi sinh đẻ hoặc có các triệu chứng tại thời điểm sinh. Hầu hết trẻ sơ sinh bị nhiễm virus đường ruột có bệnh nhẹ, hiếm khi có tiến triển thành nhiễm trùng nặng ở nhiều cơ quan, bao gồm cả gan, tim và tử vong do nhiễm trùng.  
PV (ghi)