Bài 1 - Giải nhiệt mùa hè: Đậu đen 50g, lá sen bánh tẻ 1 - 2 lá, gạo tẻ 50g. Lá sen đem sắc lấy dịch chiết, cho đậu và gạo thêm nước cho đủ, đem ninh nhừ thành cháo. Có thể nêm đường, bắc ra ăn nguội trong ngày, có thể ăn thường xuyên trong mùa hè. Thích hợp cho tất cả mọi lứa tuổi, nhất là với người phải làm việc trong môi trường nắng nóng, nhiệt độ cao, hao tổn tân dịch, người can thận âm hư như: tăng huyết áp, tiểu đêm, phụ nữ tiền mạn kinh, rôm sảy...
Bài 2 - Giải độc cá tôm: Đậu đen 200 - 300g đem sắc đặc uống khi còn ấm có tác dụng giải độc khi ăn phải các loại cá tôm có độc.
Bài 3 - Đậu đen chữa đau lưng: Đậu đen xanh lòng 100g, đỗ trọng 30g. Đỗ trọng đem sắc chiết lấy dịch, cho đậu đen chế nước vừa đủ đem ninh nhừ, ngày ăn một lần, ăn liên tục 2 - 3 liệu trình. Một liệu trình là 15 ngày. Thích hợp cho người bệnh đau lưng do can thận âm hư, lưng đau, gối mỏi, hoa mắt chóng mặt, suy giảm thị lực...
Bài 4 - Bồi bổ cơ thể: Đậu đen 50g, hạt sen, gạo lức, đậu đỏ mỗi thứ 30g. Tất cả đem nấu cháo ngày ăn một bữa, có thể ăn kéo dài. Thích dụng cho người mới ốm dậy, ăn uống kém, suy nhược cơ thể, mất ngủ, huyết hư.
Bài 5 - Cố tinh sáp niệu: Đậu đen 100g, hạt sen, ý dĩ, khiếm thực, đậu đỏ mỗi thứ 20g. Tất cả đem nấu cháo ăn trong ngày. Ăn liên tục 10 - 15 ngày, ăn khi còn ấm có tác dụng bổ can thận, cố tinh sáp niệu. Dùng trong các trường hợp tinh hoàn đau nhức, di tinh, di niệu, tiểu đêm...
Bài 6 - Phòng trị tăng huyết áp: Đậu đen 50g, lá dâu bánh tẻ một nắm to, ngâm đậu cho mềm rồi cho lá dâu vào chế nước đủ dùng, đun khoảng 30 phút. Bắc ra để nguội ăn đậu, nước chia uống trong ngày. Thích dụng cho người tăng huyết áp, tiểu đêm, phụ nữ bốc hỏa...
Bài 7 - Chữa đau đầu: Đậu đen 50g, ngải cứu một nắm, trứng gà một quả. Đậu ngâm nước cho mềm, tất cả chế nước vừa đủ đem đun nhỏ lửa tới khi đậu nhừ, trứng chín, đem bóc trứng ăn cả cái lẫn nước, ngày ăn 1 quả, ăn liên tục 7 - 10 ngày. Có tác dụng trị đau đầu, hoa mắt chóng mặt, khí huyết hư yếu, người mới ốm dậy...
Chú ý: Tuy đậu đen là thực phẩm bổ dưỡng nhưng chỉ thích hợp với người tạng nhiệt, không thích hợp với người tạng hàn, tỳ vị quá hư nhược như chân tay lạnh, tiêu chảy kéo dài... Nếu trong trường hợp cần thiết phải dùng thì cần gia các vị thuốc ấm nóng như gừng, quế...
Lương y Chu Văn Tiến (Hội Đông y Vĩnh Tường)