Bác sĩ ơi, nếu em có bầu mà uống thuốc tam thất nghiền nhỏ với hạt sen thì có ảnh hưởng xấu đến thai nhi không ạ? (Nguyen Thi Xuan Quynh - whitecat82...@yahoo.com)
Cây tam thất còn có tên là: sâm tam thất, kim bất hoán, nhân sâm tam thất, điền thất.
Rễ củ tam thất có các chất như Acid amin, hợp chất có nhân Sterol, đường, các nguyên tố Fe, Ca và đặc biệt là 2 chất Saponin: Arasaponin A, Arasaponin B. Saponin trong tam thất ít độc.
Rễ củ tam thất vị đắng ngọt, tính ấm, có tác dụng bổ huyết, cầm máu, giảm đau, tiêu ứ huyết. Theo Dược điển Việt Nam, tam thất dùng trị thổ huyết, băng huyết, rong kinh, sau khi đẻ huyết hôi không ra, ứ trệ đau bụng, kiết lỵ ra máu, lưu huyết, tan ứ huyết, sưng tấy, thiếu máu nặng, người mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, ít ngủ.
|
Củ tam thất. |
Theo tài liệu nước ngoài, tam thất có tác dụng giúp lưu thông tuần hoàn máu, giảm lượng Cholesterol trong máu, hạ đường huyết, kích thích hệ miễn dịch, ức chế vi khuẩn và siêu vi khuẩn, chống viêm tấy giảm đau…
Tuy nhiên, phụ nữ có thai không được uống tam thất. Em đợi sau sinh hãy dùng tam thất để bồi dưỡng nhé.
Còn hạt sen (liên nhục) vị ngọt, sáp (làm cho chặt lại, kín lại), tính bình (không nóng, không lạnh), có tác dụng chữa di tinh, mộng tinh, ỉa chảy, mất ngủ, chậm tiêu, đầy bụng, ăn kém, chữa khát do sốt cao, mất nước.
Chúng tôi chưa thấy tài liệu y khoa khuyến khích thai phụ dùng hạt sen. Tuy nhiên, hạt sen có trong các bài thuốc dành cho phụ nữ hay bị sảy thai, bồi dưỡng cho phụ nữ mới sinh hoặc mới bỏ thai.
(Theo: AloBacsi)