Mấy năm nay, để đón tết giữa tình hình kinh tế chung lắm khó khăn, nhiều gia đình cố gắng thu vén để tìm cách ăn tết sao cho tiết kiệm mà vẫn tươm tất, bằng cách dựa vào tình làng nghĩa xóm, chia sẻ cùng bạn bè, đồng nghiệp.
Hùn tiền làm mứt, góp tiền chơi xa
Chị Lê Thị Hồng Trang (ngụ hẻm 23, đường C1, Tân Bình, TP.HCM) cho biết, “lên trang webtretho thấy mấy chị ở ngoài Bắc rủ nhau 27 tết người góp đậu, người góp nếp làm bánh chưng, tôi bàn với mấy chị trong hẻm hùn tiền làm chung một số loại bánh mứt, dưa kiệu, giò chả để ăn tết cho tiết kiệm. Cả thảy sáu nhà làm chung. Dự tính là đưa ông Táo xong mọi người sẽ triển khai làm”, chị Trang nói.
Tương tự, vài năm nay một khu xóm tại phường Thạnh Lộc quận 12 rủ nhau góp tiền mua đồ về gói bánh tét, người rửa lá, người ướp thịt… riêng khoản gói thì có cánh đàn ông và chị Bảy Nhung, từng đạt giải nhất cuộc thi gói bánh tét cấp phường.
Cũng mục tiêu tiết kiệm, gia đình anh Lê Trường Kiên (Trần Hưng Đạo, quận 5) lên kế hoạch mùng ba tết rủ bạn bè hùn tiền thuê xe du lịch miền Trung. “Mọi năm nhà tôi chi tiêu hơn chục triệu đồng, năm nay khó khăn quá mà sắp nhỏ lại thích đi du lịch nên theo cách đó tôi chỉ tốn vài triệu, bạn bè cuối năm lại có dịp hàn huyên”, anh Kiên kể.
Còn một khu xóm ở phường 2 quận 11 thì rủ nhau hùn mỗi người vài chục ngàn đồng mướn xe đi chùa mùng ba. Không chỉ đi chùa, nhiều nhà còn quyên góp đi thăm các cụ già neo đơn ở một ngôi chùa tại Bình Chánh. Bởi họ quan niệm, tuy tiết kiệm nhưng phải biết chia sẻ với những người khổ hơn, cũng là cho tụi nhỏ học theo.
Mua tận gốc, mượn đồ chưng
Săn hàng giảm giá, rủ nhau sắm chung đồ tết, mua tận gốc, về quê sắm tết... là những “chiêu” mà các bà nội trợ rỉ tai nhau để thu vén cho một cái tết ấm cúng. Chị Phan Thị Mai Anh (quận Gò Vấp) kể: theo tìm hiểu của chị em trong công ty thì mua hàng ở chợ đầu mối rẻ hơn gấp rưỡi so với các chợ lẻ bên ngoài, nên nhiều người chung nhau mua để tiết kiệm được khá nhiều. “Một số đặc sản như khô bò, tôm khô… thì có chị bạn trong công ty có người nhà ở An Giang, Cà Mau nhận đăng ký mua giùm. So với giá siêu thị thì có tính thêm chi phí vận chuyển vẫn rẻ hơn 30 – 40%, tiết kiệm được bộn tiền”, chị Anh nói.
Nhóm dân văn phòng, không có thời gian mua sắm, yêu cầu cao về vệ sinh thực phẩm, chất lượng thường chọn siêu thị để mua sắm. Hơn nữa, mấy ngày tết, đi siêu thị không sợ bị nói thách hay tăng giá. Trong khi đó, những người lớn tuổi, dân buôn bán lại thích chợ truyền thống hơn vì có mối quen, không phải xếp hàng đợi tính tiền, giá rẻ hơn siêu thị. Nhóm còn lại là những người có thời gian và chịu khó đi như chị Năm Đẹp, bán bánh mì ở quận 12. Chị ghi ra những mặt hàng cần thiết rồi dạo chợ và siêu thị để so sánh chỗ nào rẻ hơn thì mua. Củ kiệu, củ hành, nước mắm… chị mua ở chợ, còn đường, trứng… chị mua siêu thị vì “trứng có kiểm dịch, lại là hàng bình ổn”.
Nhưng tiết kiệm đến như chị Kim Thảo ở quận 11 thì hơi hiếm. Vợ chồng chị Thảo chưa có con, nhà chỉ có hai vợ chồng mà chồng làm tài xế xe du lịch nên mấy ngày tết hiếm khi ở nhà. Năm nào sau tết, bánh mứt, củ kiệu, hạt dưa… chị cũng phải đem đi cho bớt. Vậy là, 29 tết năm rồi chị nảy ra ý định về nhà cha mẹ mượn một ít đồ về chưng đến mùng năm thì đem trả!
Nhà tự làm “vừa rẻ vừa ngon”
Không chỉ ở các công ty, trên một số diễn đàn trực tuyến của phụ nữ, các chủ đề “Tự làm đồ tết” cũng đang được bàn luận sôi nổi. Nhiều thành viên diễn đàn webtretho tỏ ra hồ hởi cho rằng tự làm đồ tết không chỉ tiết kiệm mà lại hợp vệ sinh hơn. Như chị Xuân Hoa, nhân viên văn phòng ở quận 10, cho biết mẹ thích ăn mứt gừng nên đem cả bịch gừng vào công ty rồi tranh thủ giờ nghỉ trưa mang ra gọt.
Chị khoe: “Sẵn tiện nhờ mấy chị em chung phòng làm giúp”. Dần dần, món mứt gừng của chị Hoa, món thịt ngâm nước mắm, củ kiệu ngâm nước dừa tươi… của những người khác trở thành món đặc sản được trao đổi nhộn nhịp trong phòng. Đặt đồ ăn chế biến sẵn do người quen làm cũng là xu hướng mới của nhiều gia đình ngại đồ làm sẵn bán bên ngoài. Thấy bà Mai nhà ở quận 12 cứ đem cái mâm mứt tắc vàng ươm, làm thiệt khéo phơi trước sân, chị hàng xóm đánh bạo qua đặt bà làm thêm để ăn tết. Người này truyền người kia, cho đến năm nay bà Mai đã làm gần 50kg tắc mà vẫn không đủ, phải treo bảng không nhận đặt hàng.
“Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm, nếu biết cách lên kế hoạch chi tiêu tiết kiệm, hợp lý thì ai cũng có thể chuẩn bị được cái tết vừa vặn với điều kiện nhà mình, quan trọng là tạo được không khí vui vẻ, đầm ấm cho cả nhà”, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hữu Lộc, hội Khoa học tâm lý – giáo dục TP.HCM, góp ý.
TIN LIÊN QUAN
Theo Sài Gòn Tiếp Thị