|
Tập cho trẻ ăn mềm chuyển dần sang cứng. |
Từ 2 - 3 tuổi trẻ cần nhu cầu năng lượng bằng 1/2 nhu cầu của người lớn (1.200 -1.300Kcal), nhưng hệ tiêu hóa của bé chưa hoàn chỉnh nên không thể nạp một khối lượng thực phẩm lớn cho một bữa ăn, vì vậy, trẻ phải được ăn ít nhất 5 bữa (3 bữa chính và 2 bữa phụ). Thức ăn của trẻ nên được chế biến nát, mềm rồi chế biến cứng dần để dễ thích nghi. Tập cho trẻ ăn nhiều loại thức ăn khác nhau nhưng phải trên nguyên tắc: Ăn từ ít tới nhiều để trẻ quen dần, đừng bắt ép khi trẻ không muốn ăn.
Chế biến thức ăn cho trẻ cần lưu ý đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể, trẻ cần ăn đủ 4 nhóm thực phẩm trong một ngày: Nhóm thực phẩm giàu bột đường như gạo khoảng 120 - 150g, nhóm thực phẩm cung cấp vitamin và muối khoáng như rau các loại từ 150 - 200g và trái cây các loại là 100 - 200g, nhóm thực phẩm giàu đạm gồm: 300 - 400ml sữa, thịt các loại (bò, heo, gà, cá, tôm... 120 - 130g và nhóm thực phẩm giàu chất béo như dầu ăn hoặc mỡ, bơ... khoảng 20 - 25g.
Nếu trẻ chưa ăn được cơm, bạn có thể nấu cháo. 50g gạo tương đương 1 bát cơm hoặc 2 bát cháo đặc (130g nấu thành 1lít cháo). Tập cho trẻ ăn từ từ cho đến khi có thể ăn cơm. Ban đầu trẻ ăn cháo và ăn cơm ít cũng không sao, miễn là đủ số lượng, cơm hay cháo thì cũng từ gạo. Để món ăn phong phú, có thể thay cơm bằng các thực phẩm khác cùng nhóm như phở, bún, nui, bánh mỳ... một bát cơm có thể thay bằng 120g phở (bún), 140g nui luộc, hoặc 3 lát bánh mỳ sandwich loại vừa...
Các trẻ từ 2 - 3 tuổi, thường ăn rất ít hoặc không ăn rau và trái cây, nguyên nhân thường là do trẻ lười nhai và mẹ không kiên trì tập. Hãy để trẻ chọn lựa loại rau và trái cây ưa thích, nếu trẻ thích một loại nào đó thì cứ cho ăn, không nhất thiết phải bắt ăn nhiều loại khác. Sữa là thực phẩm giàu canxi, dễ tiêu hóa, bé cần uống 300 - 400ml sữa/ngày. Có thể thay một phần sữa bằng các sản phẩm từ sữa như yaourt, bánh flan hoặc bánh bông lan.
Cùng chung lứa tuổi từ 2 - 3 tuổi nhưng vì mỗi bé có sự phát triển khác nhau nên sẽ ăn số lượng thực phẩm khác nhau. Nếu bác sĩ xác định bé có tình trạng dinh dưỡng bình thường thì chẳng có gì phải lo lắng cả. Nên đưa trẻ đi khám sức khoẻ định kỳ để được các bác sĩ thăm khám và tư vấn về chế độ dinh dưỡng hợp lý.