Nếu bạn là một người thích đi du lịch thì “nhập gia tuỳ tục” đã không còn là khái niệm quá xa lạ. Mỗi quốc gia trên thế giới có một phong tục tập quán ăn uống khác nhau, thể hiện trong các sinh hoạt hàng ngày mà điển hình là bữa ăn.
Thái Lan - Không dùng dĩa xiên thức ăn lên miệng
Trước khi dĩa và thìa được du nhập vào Thái Lan, người dân đất nước này thường dùng… chính bàn tay của mình để ăn uống. Cho đến khi dĩa, thìa được vua Chulalong-korn mang về Thái, người dân mới bước sang một “kỷ nguyên ăn uống” mới.
Người Thái coi chiếc dĩa là dụng cụ hỗ trợ cho thìa nên khi ăn, bạn nên dùng dĩa đặt thức ăn lên thìa rồi mới cho vào miệng.
Nhật Bản - Không cắm đũa thẳng đứng vào bát cơm, không boa tiền
Tương tự như Việt Nam và một số quốc gia theo đạo Phật khác, người Nhật cũng cho rằng bát cơm có đôi đũa cắm thẳng chỉ dành cho người chết. Do đó, trên bàn ăn của người Nhật thường có những dụng cụ gác đũa.
Nếu không có dụng cụ này, bạn hãy đặt đũa ngang bát.
Ngoài ra, khi đi ăn nhà hàng hoặc sử dụng bất kỳ dịch vụ gì, bạn không được boa thêm tiền cho người phục vụ. Trái với phương Tây, người Nhật xem hành động boa tiền là một sự sỉ nhục, coi thường.
Giá tiền bạn trả cho bữa ăn đã bao gồm tiền phục vụ, vì thế cứ thưởng thức món ăn và không phải tốn thêm đồng nào cả.
Hàn Quốc - Nhận và đưa đồ ăn bằng hai tay
Không chỉ phổ biến ở Hàn Quốc mà còn là một lễ nghi cơ bản ở Việt Nam, việc đưa và nhận đồ ăn bằng hai tay từ người lớn tuổi thể hiện sự kính trọng, tôn trọng họ. Bạn nhớ không bao giờ được tự rót rượu hoặc rót vào chén mình trước.
Luôn rót cho những người khác trước rồi chén mình cuối cùng hoặc đợi người ta rót cho. Nâng chén lên uống, bạn cần phải quay mặt đi, lấy tay kia che miệng lại.
Trung Quốc – Ăn hết cơm, không lật cá khi ăn
Ở Trung Quốc, chủ nhà rất thích bạn làm cho bàn ăn bừa bộn vì điều đó chứng tỏ bạn đã ăn rất thoải mái. Việc để thừa một ít thức ăn trên đĩa có nghĩa là bạn đã ăn rất no, nhưng ăn không hết sạch cơm trong bát sẽ bị coi là thô lỗ.
Ngoài ra, tiếng ợ sau khi dùng bữa là một cách thể hiện lời khen về đồ ăn ngon đối với chủ nhà.
Mặt khác, ở miền Nam Trung Quốc, việc lật cá sau khi ăn hết thịt một mặt bị coi là một việc làm mang đến sự xui xẻo. Vì vậy, bạn chỉ nên ăn một mặt sau đó gỡ phần xương ra và ăn phần thịt bên dưới.
Pháp - Khi ăn hãy để cả hai tay trên bàn
Ngay cả khi không dùng dao, nĩa, vì lịch sự bạn nên đặt cả phần cổ tay và cẳng tay ngăn ngắn trên bàn nhưng đừng để cả cùi chỏ.
Tây Ban Nha - Trò chuyện sau bữa ăn
Theo truyền thống Tây Ban Nha, bạn nên ngồi lại bàn trò chuyện sau bữa ăn, để dạ dày có thời gian tiêu hoá.
Anh - Không dùng dao, dĩa để ăn măng tây
Tại Anh, bạn nên ăn măng tây bằng tay. Hãy cầm vào phần cuống, chấm phần ngọn vào gia vị đi kèm, thưởng thức và bỏ lại phần cuống già.
Hungary - Không cụng bia
Cụng bia từng là một điều cấm kỵ ở Hungary. Do người Áo đã giành chiến thắng trong cuộc cách mạng Hungary vào năm 1848 và ăn mừng bằng bia nên từ đó người Hungary thề sẽ không bao giờ cụng ly khi uống bia.
Tuy nhiên, bạn vẫn có thể cụng ly với các loại đồ uống có cồn khác.
Mexico - Đừng dùng dao, dĩa ăn bánh tacos
Dùng dao, dĩa ăn tacos, bạn sẽ bị coi là hợm hĩnh. Hãy học theo người bản địa, giữ chặt miếng tacos bằng ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa, rồi cắn khéo léo để phần nhân không rơi ra ngoài.
Nga - Uống vodka vào sáng sớm
Hầu hết chúng ta không uống vodka vào sáng sớm, nhưng nếu được mời một ly ở Nga thì bạn nên đón nhận.
Nếu làm ngược lại, bạn sẽ bị xem là bất lịch sự, điều này giống như từ chối một cái bắt tay vậy.
Châu Âu nói chung - Không chuyển nĩa từ tay trái sang tay phải
Thói quen chuyển nĩa từ tay trái sang tay phải là một cách ăn thanh lịch ở Mỹ. Thế nhưng người châu Âu xem đó là hành động lạ lùng hay tệ hơn là bất lịch sự.
Hãy cố dùng nĩa bằng tay trái và dao bằng tay phải trong suốt bữa ăn.
Cùng một hành động nhưng bạn có thể làm ở quốc gia này nhưng lại bị coi là bất lịch sự ở quốc gia khác. Vì vậy, nếu không muốn bị mọi người nhìn mình bằng con mắt thiếu thiện cảm, bạn hãy thuộc nằm lòng những quy tắc trên nhé.
Theo Báo Pháp luật Việt Nam